Hàn Quốc

Khuyến khích người tố cáo lên tiếng

- Chủ Nhật, 10/06/2018, 09:24 - Chia sẻ
Pháp luật về tố cáo của Hàn Quốc gồm Luật Chống tham nhũng 2001, Luật về việc Thành lập và quản lý Ủy ban Chống tham nhũng và bảo vệ quyền công dân 2008 và Luật Bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công 2011. Trong các đạo luật này, bên cạnh các quy định về bảo vệ người tố cáo còn có các điều khoản về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo và trình tự thủ tục giải quyết tố cáo.

Về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, Luật Bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công quy định, người tố cáo các hành vi xâm hại lợi ích công có thể gửi tố cáo tới một trong 5 đối tượng sau: Người đại diện hoặc lãnh đạo của người, cơ quan, tổ chức có hành vi xâm hại lợi ích công; cơ quan hành chính hoặc bộ phận giám sát có thẩm quyền chỉ đạo, giám sát, điều chỉnh hoặc điều tra các vi phạm lợi ích công; cơ quan quan điều tra; Ủy ban Phòng chống tham nhũng và các quyền dân sự; những người mà theo quy định của Chính phủ, tố cáo được gửi đến nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc giảm bớt thiệt hại xảy ra. Theo giải thích tại khoản 1, Điều 2 của Luật Bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công, các hành vi xâm phạm lợi ích công là những hành vi xâm phạm sức khỏe, an toàn công cộng, môi trường, lợi ích của người tiêu dùng, công bằng và cạnh tranh, đồng thời, không phải là hành vi vi phạm đã được điều chỉnh bởi luật hình sự và có thể là hành vi hành chính, theo quy định của Nghị định của Chính phủ, bao gồm cả việc hủy bỏ hoặc tạm hoãn giấy phép…

Về hình thức tố cáo, Luật này cũng quy định, tố cáo có thể được thể hiện dưới các hình thức: Dạng viết (bằng giấy hoặc điện tử); dạng nói (trường hợp này, người nhận được thông tin tố cáo bằng hình thức nói sẽ làm biên bản ghi lại toàn bộ những gì nghe được để nộp cho cơ quan có thẩm quyền). Dù ở dạng nào thì nội dung tố cáo phải có đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật và bằng chứng chứng minh cho nội dung tố cáo.


Về trình tự giải quyết tố cáo, Luật này đã quy định: Ngay khi tiếp nhận tố cáo, Ủy ban Phòng chống tham nhũng và các quyền dân sự phải tiến hành xác nhận các thông tin cơ bản như: Thông tin về người tố cáo, nội dung và mục đích tố cáo. Ở giai đoạn này, Ủy ban có thể yêu cầu người tố cáo cung cấp thêm thông tin nếu cần. Sau khi hoàn thành bước xác nhận thông tin, Ủy ban trên ngay lập tức gửi tố cáo tới cơ quan điều tra hoặc cơ quan kiểm tra có liên quan, đồng thời báo cho người tố cáo biết. Kết quả điều tra sẽ được gửi cho Ủy ban; đồng thời, Ủy ban sẽ thông báo vắn tắt nội dung điều tra cho người tố cáo. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể quyết định dừng điều tra vì những lý do như: Nội dung tố cáo không có thực, sự kiện nêu trong tố cáo không tồn tại, tố cáo được gửi lại mà không có lý do chính đáng, nội dung của tố cáo đã được truyền thông nêu mà không có bằng chứng… hoặc có thể chuyển điều tra cho cơ quan có thẩm quyền (nếu phát hiện không thuộc lĩnh vực mình phụ trách).

Ủy ban Chống tham nhũng và bảo vệ quyền công dân (ACRC) là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính và tố cáo. Những vụ việc đơn giản thường được gửi về cho chính cơ quan bị khiếu nại để giải quyết. Vụ việc phức tạp hơn thì các cơ quan phối hợp để tiến hành thẩm tra, xác minh, sau đó đưa ra yêu cầu với cơ quan có trách nhiệm. ACRC có quyền phán quyết (tài phán) đối với việc khiếu nại các quyết định hành chính. Nếu không thỏa mãn với việc giải quyết của các cơ quan hành chính thì người khiếu nại có thể kiện ra tòa.

Việc quy định rõ trình tự thủ tục và các kênh hỗ trợ việc tố cáo trong luật nhằm khuyến khích người dân sử dụng các kênh tiếp nhận tố cáo được bảo vệ và dễ tiếp cận. Nhờ đó, người tố cáo bớt e ngại khi lên tiếng phát giác những hành vi tham nhũng, hoặc xâm hại lợi ích công trong nội bộ cơ quan, công ty thuộc cả khu vực công và khu vực tư.

Ngọc Khánh