Phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV)

Khuyến cáo của WHO

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:22 - Chia sẻ
Bộ Y tế vừa cung cấp Bộ câu hỏi - đáp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nCoV, phương thức lây truyền và cách phòng tránh. Dưới đây là tổng hợp một số thông tin cơ bản về loại virus mới này.

Virus nCoV là gì? Cơ chế lây lan của loại virus này?

Corona là một họ virus lớn được tìm thấy ở cả động vật và người. Một số virus có thể gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Còn nCOv là một chủng mới của virus Corona chưa từng xác định được ở người trước đây, chưa từng được phát hiện, trước khi dịch bệnh được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.

Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, nhiễm nCoV có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong. Người già và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dễ bị bệnh nặng hơn. Thời gian ủ bệnh (từ khi bị nhiễm virus đến khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng) là từ 2 - 11 ngày và ước tính có thể lên tới 14 ngày.

Virus nCoV lây truyền như thế nào? Ai có thể bị nhiễm virus?

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12.2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và hiện đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc. Ngày 31.1.2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch bệnh do virus nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU.

Virus nCoV là loại virus đường hô hấp lây lan chủ yếu là tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh thông qua các giọt bắn tạo ra khi ho hoặc hắt hơi. Tức là có thể lây truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, ví dụ: tại nơi làm việc, trong gia đình hoặc cơ sở y tế. Theo các báo cáo gần đây, những người nhiễm nCoV có thể gây lây nhiễm trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu hiện có, phần lớn virus lây lan từ những người đang có triệu chứng.

Những người sinh sống hoặc đi đến khu vực có nCoV đang lưu hành là những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện tại, nCoV đang lưu hành tại Trung Quốc - nơi đại đa số người nhiễm bệnh đã được báo cáo. Những người nhiễm bệnh tại các quốc gia khác là những người gần đây đã đi đến Trung Quốc hoặc đang sinh sống/tiếp xúc gần với những người đó như người nhà, đồng nghiệp hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trước khi họ biết bệnh nhân bị nhiễm nCoV. Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm nCoV có nguy cơ cao hơn và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng, kiểm soát lây nhiễm. Những người sống bên ngoài Trung Quốc - không có nguy cơ nhiễm nCoV.


Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn giúp diệt virus nCoV 
Nguồn: ITN

Hiện có thuốc điều trị virus nCoV chưa?

Cho đến nay, chưa có thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị nCoV. Kháng sinh cũng không có tác dụng diệt virus mà chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Do đó, những người bị nhiễm nCoV nên được chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị triệu chứng. Người bị bệnh nặng nên được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được điều tra, thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO đang phối hợp các đối tác để phát triển thuốc điều trị nCoV.

Biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi virus nCoV?

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn.

- Duy trì khoảng cách ít nhất 1m với người khác, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, hắt hơi và sốt.

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.

- Nếu bị sốt, ho và khó thở cần đến cơ sở y tế sớm, thông báo với cán bộ y tế nếu đã đi đến một khu vực tại Trung Quốc - nơi đã báo cáo có các trường hợp bệnh nhiễm vi rút nCoV hoặc nếu đã tiếp xúc gần với người đã đi du lịch từ Trung Quốc và có các triệu chứng về hô hấp. Nếu có các triệu chứng hô hấp nhẹ và không có tiền sử du lịch đến hoặc ở Trung Quốc cần thực hành vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp và ở nhà cho đến khi phục hồi, nếu có thể.

- Đeo khẩu trang y tế có thể làm hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang không bảo đảm ngăn chặn việc lây nhiễm mà nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác.

WHO khuyên nên sử dụng khẩu trang y tế hợp lý, để tránh lãng phí không cần thiết, tạo cảm giác an toàn giả và sử dụng sai khẩu trang. Điều này có nghĩa là chỉ sử dụng khẩu trang y tế nếu có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm nCoV với các triệu chứng nhẹ; đang chăm sóc cho người nghi ngờ nhiễm nCoV, người nghi ngờ nhiễm virus nCoV liên quan đến du lịch ở một khu vực tại Trung Quốc hay tiếp xúc gần với một người đi du lịch từ Trung Quốc và có các triệu chứng về hô hấp.

Minh Nhật tổng hợp