Không yêu sao được!

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:02 - Chia sẻ
Bạn muốn tìm hiểu về Sài Gòn đừng tìm ở đâu xa, đơn giản thôi, mỗi góc phố, mỗi con người đều in hằn những dấu ấn thời gian, những góc tính cách đại diện cho một thành phố mở, nhưng cũng vô cùng kỷ luật, ngay ngắn…

Làm báo được ít năm thì tôi được cử đi công tác Sài Gòn bằng máy bay, đúng dịp kỷ niệm 30.4.

 Đối với tôi, máy bay là một cái khoang đầy lạ lẫm. Lạ từ cái ghế ngồi êm có dây thắt cho đến những nữ tiếp viên xinh đẹp ân cần như những cô Tấm. Chuyến bay đầu đời mỗi lần cất, hạ cánh không sao quên được cái cảm giác ruột như bị rút khỏi ổ bụng, nôn nao say.

 Trước đó tôi đã có chuyến xuyên Việt bằng “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” nối liền một dải Bắc Nam. Cứ thế, tôi được lên xuống các ga, chứng kiến những buồn vui tan hợp.

 Suốt dọc hành trình đi làm ký sự về sự hòa hợp hai miền, gặp ai cũng thấy biểu lộ niềm phấn khởi vì Đường tàu mùa xuân đã nối liền những vụn vỡ chiến tranh, những xa cách lòng người, những khoảng trông mong trong mỗi gia đình: người Nam kẻ Bắc, chung mạch máu, màu da mà hai bên chiến tuyến.


Ông trẻ tôi, hồi chiến tranh loạn lạc, vô Nam từ 1954, lập gia đình, làm rể Sài Gòn ấm êm đến giờ. Tính cách hai miền hòa nhịp “cơm lành canh ngọt” thấy ở nhiều gia đình Bắc - Nam như thế.

Năm đó, tôi có dịp tiếp xúc với một nhóm văn nghệ sĩ Nam Bộ đã chinh chiến thời bom đạn, xen lẫn những người ở R làm văn công kháng chiến, có cả vài người phục vụ chế độ cộng hòa. Họ nhìn tôi với ánh mắt e dè khi thấy một tay phóng viên trẻ măng mới ở Bắc vô cầm micro chuẩn bị góp vui vài tiết mục.

  Tôi hát nhạc Trịnh - những khúc ca về nhân tình, về mẹ, về những mạch ngầm tuôn chảy mạnh hơn cả súng đạn. Họ bắt tay một người trẻ từ “phía bên kia” và như chợt cùng nhận ra niềm thôi thúc hòa hợp sau hàng chục năm trời binh đao, đổ nát...

 Chuyến bay TP Hồ Chí Minh sau đó vài năm. Bà chị họ đón tôi trên chiếc cầu chữ Y chằng chịt xe cộ. “Vô đây em sẽ không có thời gian và nơi chốn để buồn” - câu gợi mở đầy ẩn dụ về một thành phố lúc nào cũng hừng hực, ào sôi. Thành phố cứ cuốn mình đi, bắt mình chạy, buộc mình không được ì trệ, kéo mình ra khỏi những vỏ ốc âm u, hòa vào nhịp trẻ trung, năng động.

Bữa tối đầu tiên của một phóng viên du lịch, tôi được vinh dự gặp mặt bà Võ Thị Thắng, bấy giờ là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Tôi nhớ như in một vài trang sách viết về bà với “Nụ cười chiến thắng” rạng rỡ trước kẻ thù. Giờ nụ cười đó đang nhẹ nhõm nở dìu dịu trước mặt tôi, một cậu phóng viên trẻ.

Bà Thắng thông báo: Sẽ không tiếp khách ở phòng lạnh kín bưng, mà sẽ đưa phóng viên “đi thực tế” tại một… nhà hàng nhộn nhịp để cảm nhận về sức sống rất Sài thành. Bà chọn một góc phòng đỡ ồn nhất đủ dành cho bốn người: tôi cùng sếp từ Hà Nội, bà và một nữ doanh nhân du lịch. Câu chuyện chảy từ chuyện nọ sang chuyện kia, từ quốc gia đại sự đến gia đình, bè bạn.

Tôi vẫn nhớ lời tâm sự của bà: Danh hiệu in dấu nụ cười là vinh dự, là kỷ niệm đẹp nhưng đối mặt với trọng trách đứng đầu một ngành công nghiệp sạch, cần nhiều thứ hơn thế.

Theo dòng câu chuyện, tôi không thấy bà xa cách nữa, mà gần gũi vô cùng. Với trái tim của một người phụ nữ, bà Thắng thấy cần phải xây dựng một nền du lịch dịch vụ thân thiện, hướng tới con người. Đó còn là một ngành du lịch xanh coi trọng thiên nhiên, vẻ đẹp hữu tình vốn có.

Tiếp chúng tôi hôm đó có Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Hoa Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Hòa Bình, là một trong những cộng sự, người em thân tín của bà Võ Thị Thắng. Sau này, nhiều dịp phỏng vấn bà Lệ, tôi đều nhận thấy thái độ nể phục dành cho người chị đáng kính, một phụ nữ cương trực, gang thép nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn: “Chị ấy là một người bình dị, trọng nghĩa tình, luôn tìm mọi cơ hội đấu tranh vì quyền lợi của chị em phụ nữ”...

 Bà Thắng bảo tôi: Bạn muốn tìm hiểu về Sài Gòn đừng tìm ở đâu xa, đơn giản thôi, mỗi góc phố, mỗi con người đều in hằn những dấu ấn thời gian, những góc tính cách đại diện cho một thành phố mở, nhưng cũng vô cùng kỷ luật, ngay ngắn.

Có thể bắt đầu từ ngôi nhà gần cầu chữ Y của ông trẻ tôi, từ bà Tư, vợ ông, một người sống lành hiền như luôn chứa sẵn câu kinh trong người, luôn dạy con cháu phép tắc: Muốn làm gì đi chăng nữa, trước tiên hãy biết cúi đầu, khoanh tay chào người lớn tuổi đến chơi nhà.

Hay người lái Honda ôm chở tôi mấy ngày liền tác nghiệp quanh Sài Gòn, ăn mặc rõ đẹp với triết lý rất riêng là để tôn trọng khách: “Họ bỏ tiền sử dụng dịch vụ của mình, chẳng ai muốn đi với một ông xe ôm nhếch nhác cả”. Hỏi anh về nỗi sợ trong những chuyến xe đêm, anh hồn nhiên: “Sao phải sợ? Con người ta, đồng điệu thường gặp nhau. Tôi tử tế thì sẽ gặp người tử tế. Bọn bất lương sẽ không có cơ hội gặp tôi”. Người Sài Gòn như thế, không yêu sao được!

Hôm rồi gặp lại một người bạn gốc Bắc sau hơn 20 năm. Bạn giờ đã là cư dân Sài thành. Ở chung cư bạn thuê, mấy nhà hàng xóm đều dùng một loại chuông cửa. Một nhà có khách là mấy nhà kia ngó ra vì đều nghĩ đó là khách nhà mình. Thấy vậy, bạn bèn đi thay cái chuông khác vì không muốn làm phiền nhà bên. Một lần có khách bấm chuông, vẫn thấy chị hàng xóm ngó ra. Bạn thắc mắc là mình đã thay chuông rồi mà, sao hàng xóm vẫn bị nhầm. Hóa ra là chị hàng xóm cũng có ý nghĩ tương tự, lặng lẽ đi thay chuông nhưng vô tình lại mua trùng với chuông mới của nhà bạn.

Người Sài Gòn như thế, không yêu sao được!...

Trần Nhật Minh