Sổ tay

Không ưu đãi tràn lan

- Thứ Tư, 17/04/2019, 08:01 - Chia sẻ
Nhìn vào lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới thấy những bất cập đang đặt ra rất nóng. Không ai phủ nhận đóng góp rất lớn của đầu tư nước ngoài. Chính vì thu hút rất mạnh nguồn vốn này, bức tranh kinh tế quốc gia mới ngời sáng như hôm nay. Chính vì hào sảng đón bạn bè khắp 5 châu 4 biển đến đất nước ta làm ăn trên cơ sở cùng có lợi, mới có một Việt Nam với vị thế chưa bao giờ có được!

Nhưng thực tế bao giờ cũng có hai mặt được và chưa được! Nhiều chính sách ưu đãi thu hút FDI như trải thảm “không thể đỏ hơn” đến lúc cần xem lại. Không thể không suy nghĩ khi báo cáo Bộ Tài chính đưa ra số thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm, ưu đãi quá lớn, ai hay có năm vượt con số 35.357 tỷ đồng. Giật mình hơn, khoảng 10.500 doanh nghiệp FDI báo lỗ lũy kế tới gần 398.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, trong số hơn 16.000 doanh nghiệp có vốn ngoại báo cáo thì có tới hơn một nửa kê khai lỗ 86.180 tỷ đồng. Và có cả nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất nghe mới là điều quá lạ!

Chỉ nhìn vào những bạc tiền miễn thuế, ưu đãi và con số báo lỗ lũy kế rõ ràng thấy “lỗ hổng”, thấy “khoảng trống” trong quản lý các doanh nghiệp FDI! Người đứng đầu Bộ Tài chính nêu một thực tế: Doanh nghiệp FDI vừa được ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, vừa ưu đãi về dự án đầu tư, dự án mở rộng, khu công nghiệp, rồi sản phẩm cũng ưu đãi nốt. Ưu đãi cả địa bàn, quy mô dự án, sử dụng lao động... tất tật là ưu đãi! Hãy nhìn xem các doanh nghiệp FDI trong mấy chục năm qua đầu tư vào bất động sản, khai thác, chế biến khoáng sản rất thành công và họ hưởng lợi nhuận trước thuế rất lớn. Nhưng vì sao nguồn thu cho ngân sách vẫn chưa tương xứng, khi lợi nhuận trước thuế của họ tăng tới 19,2%, nhưng nộp về ngân sách chỉ tăng có 7%! Cái đích đặt ra khi thu hút doanh nghiệp FDI là mở cánh cửa cho công nghiệp phụ trợ, đào tạo lao động có tay nghề, thúc đẩy chuyển giao công nghệ xem ra còn quá xa vời. Nhiều doanh nghiệp FDI mới chỉ tập trung vào những ngành có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Họ sử dụng nhiều lao động, nhưng giá trị gia tăng lại không cao. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư quá nhiều vào bất động sản trong khi cái đất nước cần thu hút vào nông lâm ngư nghiệp thì lại quá ít.

 Cần tỉnh táo nhìn tiềm năng tài chính, uy tín và thương hiệu các doanh nghiệp FDI, chứ không thể ào ạt đón rước và ưu đãi tràn lan. Doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3% nhưng quy mô tài sản tới 5 triệu tỷ đồng có thực tế không, hay chỉ là con số họ tự báo, tự khai? Ngân hàng Nhà nước vừa kiểm tra 140 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay trên vốn sở hữu gấp 4 lần thì 100% là doanh nghiệp ngoại. Đáng nói, có doanh nghiệp FDI vốn “siêu mỏng” khi mà tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu gấp tới 1.800. Đó là những doanh nghiệp “tay không” đang vào với chúng ta để ăn vào những lỗ hổng, những khoảng trống của cơ chế, thể chế và cả những ưu đãi quá tràn lan chăng?

Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần định hướng lại một cách bài bản, dài xa. Đã đến lúc không thể cứ mở rộng cơ chế, thể chế với những ưu đãi tràn lan. Càng không thể cứ mở cửa đón rước ào ạt doanh nghiệp mang tên ngoại, khoác áo ngoại mà không tường tỏ họ sản xuất, kinh doanh cái gì; công nghệ thiết bị, lợi nhuận ra sao; sử dụng lao động, đất đai và điện nước thế nào? Đã đến lúc phải phân loại các doanh nghiệp FDI, chỉ ưu đãi những doanh nghiệp làm sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển giao công nghệ hiện đại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thật sự là cơ quan “gác cửa” trong thu hút, thẩm định các doanh nghiệp có xứng tầm là “đại bàng, sếu đầu đàn” không. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải vượt lên trên trong quản lý môi trường ngay từ khi doanh nghiệp đặt máy móc, chứ không thể doanh nghiệp đi vào vận hành mới ríu chân lo. Bộ Khoa học và Công nghệ cần nâng tầm trong thẩm định công nghệ, thiết bị, máy móc xem có hiện đại, tiên tiến không? Phải đón các doanh nghiệp FDI đến với ta giúp các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị ngày càng sâu rộng hơn, chứ không thể đến khai thác thu lợi rồi rời đi bỏ mặc môi trường, con người nơi doanh nghiệp đứng chân.

Hà Phương