Góc nhìn văn hóa

Không tôn trọng tác giả và độc giả

- Thứ Tư, 08/05/2019, 08:18 - Chia sẻ
Một người bạn là giáo sư có tên tuổi trong lĩnh vực xã hội học đến chơi với tôi, mang theo cuốn sách mới xuất bản với vẻ mặt không vui, thậm chí có phần bực tức.

- Sao, nghe nói ông vừa ra cuốn sách hay lắm kia mà. Nghe người ta bàn tán, tìm đọc dữ lắm. Vậy sao lại có vẻ mặt đưa đám thế kia? - Tôi hỏi.

- Ông đương nhiên là một trong những người tôi nghĩ đến tặng sách đầu tiên. Nhưng lại phân vân không biết có nên tặng không? - Ông bạn nói với vẻ ngao ngán.

- Vì sao?

- Vì chất lượng in ấn quá tồi, không thể chấp nhận được. Bìa thì trình bày quá xấu, lại vô lý. Nội dung cuốn sách là cuộc sống, tâm tư, tình cảm người Việt Nam, nhưng người trình bày bìa lại ghép ảnh người nước ngoài, gây cho bạn đọc có cảm giác như là cuốn sách dịch. Màu sắc thì lòe loẹt, thể hiện “gu” thẩm mỹ kém.

- Sao ông không để tâm từ lúc sách chưa in?

- Chưa hết, tệ nhất là tình trạng in ấn để mắc quá nhiều lỗi. Hầu như trang nào cũng có những sai sót về mặt kỹ thuật. Có trang tới cả chục chữ bị in sai. Khi thì chữ tác đánh chữ tộ, lúc thì thừa chữ hoặc sai dấu, sai từ. Có những lỗi người đọc biết ngay là do sơ sót của người sửa bản in (mo-rát). Nhưng tệ hại là có những lỗi độc giả sẽ nghĩ là do tác giả dốt, kiến thức què quặt.

- Ông dẫn chứng rõ xem nào?

- Ví dụ: từ lãng mạn bị in thành lãng mạng, bàng quan thành bàng quang, sáp nhập thành sát nhập, viện kiểm sát thành viện kiểm soát, chờ được vạ, má đã sưng thành chờ được mạ, má đã sưng…

Ông bạn đưa tôi cuốn sách. Quả là đúng như lời ông nói. Khi tôi giở bất kỳ trang nào cũng có thể nhặt được những sai sót như trên, đến nỗi bạn tôi sửa lại mà chi chít nét bút bi trên mỗi trang sách.

Ông bạn tôi tuôn ra một thôi một hồi những lời lên án nhà xuất bản:

- Sách ra, đáng lẽ phải sung sướng lắm vì đứa con tinh thần của mình được khai sinh. Vậy mà đau khổ, ấm ức vô cùng. Họ không biết tôn trọng cả tác giả lẫn người đọc. Và không tôn trọng chính cái nghề nghiệp của mình.

Tôi muốn hạ nhiệt cái đầu đang bốc hỏa của ông:

- “Tội” là ở các biên tập viên. Theo chức năng, họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ công việc từ khi nhận bản thảo của tác giả đến khi sửa xong bản in thử lần cuối cùng. Dẫu việc sửa bản in thử (mo-rát) có thể của người khác, nhưng biên tập viên vẫn phải đọc lại. Công việc này tuy không nặng nhọc, vất vả, nhưng do ít hứng thú và mất nhiều thời gian nên thường các biên tập viên dễ làm ẩu, đại khái, mới dẫn đến sai sót.

Cứ bảo thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khách hàng là “thượng đế” nhưng đã không được tôn trọng. Phải chăng tình trạng trên đã góp phần khiến nhiều người vốn dĩ lười đọc sách lại càng có lý do để từ bỏ thói quen rất có văn hóa này?
Và bên cạnh khái niệm về văn hóa đọc, không biết có nên để tâm đến một văn hóa khác: Văn hóa sách?

TS. Nguyễn Đình San