Bạn đọc viết

Không thống nhất, khó áp dụng

- Thứ Tư, 13/11/2019, 08:00 - Chia sẻ
Liên quan đến quy định về thẩm quyền giải quyết, mỗi văn bản quy phạm pháp luật lại có những quy định không giống nhau. Cụ thể, Luật Đất đai quy định thẩm quyền theo lãnh thổ; Luật Tố tụng quy định lại ưu tiên xác định thẩm quyền theo nơi cư trú của nguyên đơn, hoặc bị đơn. Quy định không thống nhất khiến quá trình áp dụng pháp luật khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và gây áp lực không nhỏ đến đội ngũ cơ quan tố tụng nói chung và người thi hành công vụ nói riêng.

Khoản 1, Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, khi xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án theo lãnh thổ thì ưu tiên việc xác định thẩm quyền theo nơi cư trú của bị đơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền thì khi có nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp trong cùng vụ án (mỗi quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định thẩm quyền theo từng vụ việc khác nhau) thì thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án được xác định theo quan hệ pháp luật tranh chấp chính.

Ví dụ, nếu đó là quan hệ pháp luật tranh chấp về hôn nhân gia đình thì dù vợ chồng có tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất thì thẩm quyền của tòa án vẫn được xác định theo nơi cư trú của bị đơn mà không phải là nơi có quyền sử dụng đất (bất động sản). Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định tranh chấp đất đai bao gồm mọi tranh chấp về quyền sử dụng đất, do vậy, khi xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ thì thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án phải được xác định theo nơi có quyền sử dụng đất (bất động sản) mà không phụ thuộc quan hệ tranh tranh chấp chính là gì. Điều này có nghĩa là thẩm quyền theo lãnh thổ đối với nơi có bất động sản được ưu tiên áp dụng trước.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 quy định, hòa giải ở cơ sở là một thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp đất đai, kết quả hòa giải phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBND xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, khi UBND triệu tập các bên để hòa giải trong nhiều trường hợp phía bị đơn không đến (mặc dù đã được tống đạt giấy triệu tập hợp lệ). Chính vì thế, UBND không thể tiến hành hòa giải được, trong biên bản hòa giải cũng không thể có chữ ký của bị đơn. Tuy nhiên, không đến thì UBND có lập biên bản không hòa giải việc bị đơn không đến hay không? Nếu lập thì biên bản này có được coi là biên bản hòa giải không thành không và tòa án có được căn cứ vào đó để thụ lý giải quyết các tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự không? Bởi, trên thực tế nhiều bị đơn cố tình không đến, trong khi đó các thủ tục tố tụng thì đều quy định thời hạn thực hiện? Và cũng không ít bị đơn kéo dài thời hạn để hết thời gian khởi kiện theo luật định.

Phạm Hải