Chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chất vấn

Không thỏa hiệp, đi đến tận cùng vấn đề

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 07:59 - Chia sẻ
Chất vấn là một trong những hình thức thực hiện quyền giám sát của QH. Chất vấn tạo cơ hội cho QH đánh giá các thành viên Chính phủ và các cơ quan có liên quan khác. Để phát huy tốt quyền chất vấn của ĐBQH, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tiếp xúc cử tri và kỹ năng chất vấn tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng, chất vấn cần tránh tình trạng hỏi để biết thông tin, mà cần trực diện vào trách nhiệm của người được chất vấn. Chất vấn trên cơ sở chân tình xây dựng nhưng không thỏa hiệp. Và mỗi ĐBQH cần có bản lĩnh để đi đến tận cùng vấn đề chất vấn.

Để chất vấn “đắt” - Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, trực diện

Theo ĐBQH Khóa XII, XIII Nguyễn Đình Quyền, đặc điểm quyền chất vấn của ĐBQH theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 là đại biểu không chất vấn các cơ quan nhà nước nói chung mà chất vấn cá nhân người đứng đầu một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp Trung ương. Đây là điều khác biệt so với quyền chất vấn của ĐBQH đã được quy định tại các bản Hiến pháp trước đây.

Xét về hình thức chất vấn, nếu trước đây chỉ là đối thoại trực tiếp thì từ Hiến pháp năm 1992 trở đi, ĐBQH có thể chất vấn trực tiếp hoặc gửi phiếu chất vấn qua UBTVQH để chuyển tới người được chất vấn. Chất vấn không chỉ được thực hiện tại kỳ họp mà ĐBQH có thể chất vấn giữa hai kỳ họp và việc chất vấn có thể được tiến hành tại phiên họp của UBTVQH.

Khá giống với nước ta, chất vấn tại nghị viện Đức cũng có hai hình thức là đặt câu hỏi trực tiếp và câu hỏi văn bản, Hạ nghị sỹ Đức Friedrich Straetmans cho biết, thời gian chất vấn ở Đức thường kéo dài 3 tiếng, mỗi hạ nghị sỹ có thể trực tiếp đặt 2 câu hỏi cho Chính phủ. Bên cạnh đó, họ được quyền đưa ra tối đa 4 câu hỏi mang tính hàm súc ở dạng văn bản cho Chính phủ và sẽ nhận được trong vòng một tuần. 5% số hạ nghị sỹ có thể yêu cầu một sự tranh luận và tranh luận thường xảy ra sau thời gian đặt câu hỏi và tranh luận có giới hạn về số người phát biểu và thời gian phát biểu cho mỗi đại biểu. Điểm khác so với QH Việt Nam, có lẽ là, Nghị viện Đức dành riêng các ngày thứ 4 trong tuần để thực hiện phiên hỏi - đáp đối với Chính phủ. Hoạt động này diễn ra sau phiên họp nội các và là một phương pháp để hạ nghị sỹ nắm được các vấn đề đang xảy ra.

Còn ở nước ta, cách thức tổ chức chất vấn thường diễn ra vào 2 kỳ họp QH trong năm và trong các phiên họp của UBTVQH. Thời gian chất vấn tại mỗi kỳ họp thường từ 2 ngày rưỡi đến 3 ngày, tuy nhiên, trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn có lúc còn có sự lẫn lộn giữa chất vấn và đặt câu hỏi để nắm thông tin. ĐBQH Khóa XII, XIII Nguyễn Đình Quyền cho biết, trong các câu hỏi ĐBQH chất vấn có không ít câu hỏi được nêu ra chỉ để muốn biết thông tin cụ thể. Điều này làm cho hoạt động chất vấn kém hiệu lực, hiệu quả, vừa làm cho người bị chất vấn lúng túng. Vì nếu không trả lời thì băn khoăn trước yêu cầu của ĐBQH, nhưng trả lời thì không đúng với ý nghĩa, mục đích của chất vấn, trong khi đó, thời gian dành cho hoạt động chất vấn là hết sức quý báu và không thể kéo dài.

Vì vậy, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng tiếp xúc cử tri và kỹ năng chất vấn tại kỳ họp do Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận làm sao để chất vấn được “đắt”. Các ý kiến đều cho rằng, các đại biểu cần chọn chủ đề thật bức xúc, thời sự, nóng bỏng của đời sống KT - XH, những điều mà đa số cử tri, nhân dân đang khao khát gửi tới QH, HĐND để các đại biểu có trách nhiệm chuyển được ý nguyện đó của cử tri, nhân dân, tạo dư luận xã hội gây sức ép về mặt trách nhiệm và việc thực hiện lời hứa của người bị chất vấn.

Các đại biểu cũng cần biết rõ vấn đề mình đặt câu hỏi chất vấn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào yêu cầu làm rõ và xử lý hay chưa? Đã có đại biểu nào chất vấn trước đó không, hoặc đã có Ủy ban có liên quan nào của QH, HĐND, các Ban của HĐND tổ chức giải trình, giám sát làm rõ vấn đề mà mình đặt câu hỏi chưa?

Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, trực diện vào trách nhiệm của người bị chất vấn trên cơ sở tổng hợp, khái quát tất cả các thông tin mà đại biểu thu thập được, tránh diễn giải thông tin sự kiện dài dòng, làm loãng mục tiêu của câu hỏi chất vấn. Nếu đưa thông tin thì thông tin đó phải có quan hệ mật thiết, nhân quả với việc làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn. Khi chất vấn trực tiếp nên thể hiện sự chân tình xây dựng nhưng không thỏa hiệp, không nhân nhượng theo kiểu “dĩ hòa vi quý”.

“Chích” ngay vào mâu thuẫn

Trong trường hợp người chất vấn đưa ra câu hỏi, người trả lời chất vấn trả lời không thỏa đáng, lệch trọng tâm câu hỏi, vòng vo, không có chính kiến rõ ràng, thì chắc chắn sẽ có ý kiến trở lại. Người chất vấn, người được chất vấn tiếp tục có ý kiến để làm rõ nội dung chất vấn, đó chính là tranh luận.

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh nêu rõ, chỉ đến QH Khóa XIV, chúng ta mới chính thức đặt vấn đề tranh luận lại trong tổ chức kỳ họp. Hoạt động này có quy củ bắt đầu từ Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2017). Ngoài đăng ký chất vấn theo bảng điện tử, các đại biểu còn có biển số thẻ, khi cần tranh luận lại thì giơ biển để chủ tọa biết và sắp xếp. Tranh luận lại cũng có sự biến thiên nhất định. Thời kỳ đầu, đại biểu nào có bao nhiêu tranh luận lại thì hầu như đều được thỏa mãn. Ngoài tranh luận lại với người trả lời chất vấn còn có thể tranh luận giữa các đại biểu với nhau khi đại biểu này cho rằng ý kiến của đại biểu khác chưa thỏa đáng, chưa thật chuẩn xác. Do có quá nhiều tranh luận lại dẫn đến khung thời gian đã phân bổ bị “xô lệch” nên đến Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2019), Chủ tọa phiên họp đã chỉ đạo, trong mỗi buổi chất vấn, mỗi đại biểu chỉ tranh luận tối đa 2 lần và chỉ đại biểu nào có chất vấn thì mới được tranh luận lại với người trả lời chất vấn. Với quy định mới này đã cho phép bảo đảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn.

Và để bắt đầu tranh luận lại, nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh cho rằng, nên “chích” ngay vào mâu thuẫn hay sự vô lý của vấn đề để thu hút sự chú ý của người trả lời chất vấn, nhất là người nghe. Sau đó lý giải sự mâu thuẫn, vô lý bằng những thông tin của chính mình. Cần nói rõ ràng, khúc triết, đủ ý để làm sáng tỏ vấn đề. Ngôn từ, thuật ngữ được sử dụng tranh luận lại dù là “dân dã” hay “bác học” cũng phải chuẩn xác, khoa học, mang tính đặc trưng. Và không nên vượt quá thời lượng tranh luận cho phép…

Tranh luận lại cũng phải đúng mức với thái độ đúng đắn mang tính xây dựng cao, mục tiêu là cùng nhau làm sáng tỏ, tiếp cận đúng đắn đến thực tiễn của vấn đề đang được chất vấn. Chất vấn và tranh luận đều là một loại việc phải học hỏi, tích lũy cả đời nhưng khi sử dụng lại chỉ trong vài ba phút. Vì vậy, đại biểu cần kiên nhẫn, cần mẫn, chịu khó nghiên cứu, tích lũy dày công mới có được kho tư liệu phong phú, có giá trị làm nền cho các chất vấn, tranh luận trên nghị trường.

Xét cho cùng giá trị của phiên chất vấn và trả lời chất vấn như ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định là nói được những điều cần nói nhất, đây còn là cơ hội cho chính các bộ trưởng, trưởng ngành thể hiện quan điểm của mình, đừng bao giờ nghĩ rằng mình “bị” chất vấn mà phải đổi tâm thế là được chất vấn. Về phía ĐBQH, ĐBQH Khóa XII, XIII Nguyễn Đình Quyền kỳ vọng, đại biểu hãy dày công hơn, có bản lĩnh để đi đến cùng trong việc xác định trách nhiệm của người được chất vấn.

Anh Thảo