Xem - Nghe - Đọc

“Không thể sống mà không viết”

- Chủ Nhật, 21/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Đọc những bài phỏng vấn về các nhà văn, đạo diễn xuất chúng trong các cuốn sách này, ta hiểu thêm được về thế giới nội tâm của nhà văn, về cuộc sống cá nhân, những nhà văn ảnh hưởng đến họ lúc mới vào nghề, phong cách và quá trình rèn luyện kỷ luật để trở thành những tác gia nổi tiếng toàn cầu cũng như cách họ đối mặt với sự danh tiếng...

Cuốn sách tập hợp 13 bài phỏng vấn những nhà văn, nhà thơ bậc thầy của thế kỷ XX, chủ yếu được đăng trên tờ The Paris Review và được nhà văn, dịch giả Phan Triều Hải tuyển chọn và dịch. Khâu biên tập cuốn sách này chưa tốt lắm vì có nhiều lỗi mo rát, nhưng bỏ qua một vài hạt sạn hơi khó chịu đó, đọc những bài phỏng vấn trong cuốn sách này mang đến rất nhiều khoái cảm, nhiều bài học bổ ích cho nghề viết, cho sự đọc. Đây cũng là dạng sách mà tôi luôn yêu thích, như trước đây từng đọc “Thế giới là một cuốn sách mở” (Nhã Nam xuất bản) - tập hợp những bài phỏng vấn của những nhà văn đương đại xuất sắc do Lévai Balázs, một nhà báo của Hungary thực hiện. Với điện ảnh là cuốn “Những bài học điện ảnh” của Laurent Tirard nằm trong “Tủ sách điện ảnh” do đạo diễn Việt Linh biên dịch...

Đọc những bài phỏng vấn về các nhà văn, đạo diễn xuất chúng trong các cuốn sách này, ta hiểu thêm được về thế giới nội tâm của nhà văn, về cuộc sống cá nhân, những nhà văn ảnh hưởng đến họ lúc mới vào nghề, phong cách và quá trình rèn luyện kỷ luật để trở thành những tác gia nổi tiếng toàn cầu cũng như cách họ đối mặt với sự danh tiếng, “con cá mập” truyền thông và rất nhiều thứ lý thú khác mà ta - những độc giả/khán giả luôn tò mò về họ.

Trong “Không thể sống mà không viết”, qua những câu hỏi phỏng vấn ngắn gọn, cô đọng mà sắc sảo của các nhà báo từ tờ The Paris Review (một cơ hội học hỏi cho những nhà báo đang thực hành phỏng vấn), người đọc được biết thêm về quá trình sáng tạo và những chi tiết rất đời thường của 13 nhà văn, nhà thơ như Raymond Carver, Gabriel Garcia Marquez, Chinua Achebe, Pablo Neruda, Carlos Fuentes, Paul Auster, Orhan Pamuk, Toni Morrison, Haruki Murakami, Ted Hughes, Sylvia Plath, Harold Pinter và Italo Calvino...

Bài tôi thích nhất trong cuốn này dĩ nhiên là bài phỏng vấn Gabriel Garcia Marquez, sau đó đến Haruki Murakami và Paul Auster. Rất tình cờ, cả ba ông này đều là những bậc thầy pha trộn giữa chất hiện thực và siêu thực và là những “storyteller” - người kể chuyện hấp dẫn chinh phục được đông đảo khán giả đại chúng.

Trong bài phỏng vấn Marquez do Peter H. Stone thực hiện (riêng bài này thôi là đã xứng đáng bỏ tiền ra mua cuốn sách này rồi), khi được hỏi về việc từ bỏ các giá trị cả thời thơ ấu và trải nghiệm để viết thứ cao xa như bản thân Marquez từng làm thuở ban đầu bước vào nghề văn và là đặc điểm chung của những người viết trẻ, Marquez trả lời như sau: “Nếu phải nói với người viết trẻ một điều gì đấy, lời khuyên của tôi sẽ là: Hãy viết về những gì xảy ra với mình; bao giờ cũng dễ khi kể một câu chuyện gì đó đã xảy ra với mình, hay mình đã được nghe, được đọc. Có một câu thơ của Pablo Neruda: “Cầu Chúa giúp tôi không phải nghĩ gì khi hát”. Tôi thấy thú vị khi những lời ngợi khen hoành tráng nhất đều dành cho sự tưởng tượng của tôi, trong khi sự thật là không có một câu nào tôi viết mà không có cơ sở hiện thực. Vấn đề là hiện thực Caribbe chẳng khác gì sự tưởng tượng hoang dại nhất”.

Marquez khởi đầu bằng nghề báo và ông đánh giá cao những trải nghiệm làm báo của mình trong quá trình viết văn: “Tiểu thuyết giúp các bài báo thêm chất văn. Còn việc viết báo giúp tôi gần với thực tại”.

Nói về sự cô đơn của người viết, quyền lực và danh tiếng, ông nói: “Có rất nhiều việc phải làm với sự cô đơn của quyền lực. Nỗ lực đầu tiên để mô tả hiện thực thường khiến nhà văn có cái nhìn bóp méo hiện thực ấy. Trong khi cố gắng tái tạo hiện thực, nhà văn cũng đồng thời đánh mất sự kết nối với hiện thực - ở trong tháp ngà, như người ta vẫn nói thế. Báo chí thì ngược lại. Đó là lý do vì sao tôi luôn duy trì nghề báo, vì nhờ đó mà tôi luôn tiếp cận thực tại, nhất là báo chí chính trị và chính trị. Sau “Trăm năm cô đơn”, tôi không bị đe dọa bởi sự cô đơn của người viết; mà là sự cô đơn của danh tiếng, nó giống với sự cô đơn của quyền lực hơn nhiều”.

Khi được hỏi về kỷ luật của nhà văn, ông nói: “Tôi không nghĩ có ai viết được một cuốn sách xứng đáng mà không ép mình vào kỷ luật khắc nghiệt”.

“Thế còn các chất kích thích?” - ông nhà báo hỏi tiếp, và Marquez trả lời (rất đã) như sau: “Tôi rất ấn tượng với một ý của Hemingway đã viết khi ông so sánh viết văn với đấm bốc. Ông ấy phải giữ gìn sức khỏe và sự sảng khoái. Mọi người biết tiếng tăm của Faulkner là một tay say sưa, nhưng trong các cuộc phỏng vấn ông đều khẳng định không thể viết lấy một dòng nếu anh say. Hemingway cũng nói thế. Có những người đọc kém cỏi hỏi tôi có dùng ma túy khi viết tác phẩm nào không. Điều đó cho thấy họ chẳng hiểu gì về nghề viết hay chất kích thích. Để trở thành một người viết giỏi, anh cần tuyệt đối sáng suốt trong từng khoảnh khắc làm việc, và sức khỏe phải tốt. Tôi cực lực phản đối thứ quan niệm lãng mạn cho rằng viết là một sự hy sinh, rằng nghèo khốn hay trắc trở tình cảm thì sẽ giúp viết hay hơn. Với tôi, người viết cần phải ở trong trạng thái cực tốt về thể lực cũng như tình cảm. Sáng tạo văn học đòi hỏi sức khỏe, và các nhà văn thuộc “thế hệ bỏ đi’ hiểu rõ điều này. Họ đều là những người viết yêu quý cuộc sống”.

Ông Paul Auster, Orhan Pamuk và đặc biệt là Haruki Murakami cũng có quan điểm tương tự về tính kỷ luật trong sáng tạo và viết văn của họ, điều đó lý giải tại sao họ giữ được sự nghiệp bền bỉ đến vậy: “Nếu trong giai đoạn viết tiểu thuyết, tôi dậy lúc bốn giờ sáng và viết liên tục trong năm hay sáu tiếng. Buổi chiều, tôi chạy mười kilomet hoặc bơi một ngàn năm trăm mét (hoặc thực hiện cả hai), rồi đọc một ít, và nghe nhạc gì đó. Tôi đi ngủ lúc chín giờ tối. Tôi duy trì lịch làm việc ấy một cách bất biến. Việc lặp đi lặp lại có vai trò quan trọng; vì đó là một kiểu thôi miên. Tôi tự thôi miên chính mình để đạt được trạng thái sâu thẳm của ý thức. Nhưng nếu kéo dài quá sự lặp lại ấy - trong sáu tháng đến một năm - thì cần có một sức mạnh đáng kể về thể chất và tinh thần. Có thể hiểu viết một cuốn tiểu thuyết dài giống như một cuộc rèn luyện sống còn. Sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm nghệ thuật”.

Còn rất nhiều chia sẻ thú vị và cực kỳ bổ ích trong cuốn sách này, ở từng bài một, khiến tôi phải đánh dấu liên tục từng trang để đọc lại mà nếu trích dẫn ra đây thì e là dài ba cây số...

Bảo Khánh