Chính sách và cuộc sống

Không thể “nhẹ tay”

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:02 - Chia sẻ
Quốc hội đã “chốt” sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong năm 2020. Trong phiên làm việc chiều mai, QH cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đến thời điểm này, nhất là sau chuyên đề giám sát tối cao của QH, chúng ta đã có một bức tranh thật, toàn diện và tương đối cụ thể về những tồn tại, yếu kém, những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất đai tại đô thị nói riêng. Như vậy, dù chưa có một bản dự thảo chính thức thì định hướng và những vấn đề cốt lõi cần tập trung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013 cũng đã khá rõ. Lỗ hổng pháp lý sẽ được bịt kín và chắc chắn phải bịt kín. Nhưng điều khiến cử tri và nhân dân vẫn chưa hết lo lắng là liệu có thể xử lý, ngăn chặn được các hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất của một bộ phận cán bộ, công chức, quan chức có quyền lực đối với việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất hay không?

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khẳng định, nguyên nhân cơ bản của những yếu kém, bức xúc trong lĩnh vực đất đai vừa qua là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và những cá nhân thực thi pháp luật. Trong 5 năm qua, nhiều cán bộ, quan chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đã bị xử lý, từ đó giúp thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hecta đất nhưng có lẽ, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thực tế, có những sai phạm “sờ sờ” ra đấy, gây hệ lụy vô cùng phức tạp không chỉ cho hiện tại mà còn cả với tương lai như câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, “băm nát” quy hoạch ở nhiều đô thị lớn vẫn chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm, hoặc nếu có thì phần nhiều sẽ chỉ là do quản lý còn lỏng lẻo, thiếu tinh thần trách nhiệm chung chung.

Kết quả giám sát của QH tại kỳ họp này chỉ rõ, việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần. Thống kê chưa đầy đủ ở một số địa phương thì trong tổng số 1.390 dự án có đến 95 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 3 lần trở lên, 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần. Việc điều chỉnh dự án phần lớn là tạo điều kiện để làm lợi cho nhà đầu tư, thu hẹp lợi ích chung của cộng đồng dân cư, gây quá tải về hạ tầng xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc, cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch nói gì về vấn đề này và chịu trách nhiệm như thế nào? Sự chi phối của nhóm lợi ích trong điều chỉnh quy hoạch ra sao? Có hay không tình trạng nhà đầu tư, doanh nghiệp “chỉ đạo” công tác quy hoạch phải “nắn” theo lợi ích tối đa của họ? Và những lợi ích từ việc điều chỉnh quy hoạch đã “chảy” vào túi ai? Những câu hỏi nóng bỏng được các ĐBQH đặt ra tại Kỳ họp này nhưng ngay cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Thừa nhận rằng “có thể có nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch do áp lực, yêu cầu của nhà đầu tư” nhưng chính Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng “chưa có thông tin đầy đủ về dự án, cũng như nhà đầu tư và tác động cụ thể”. Ngay các báo cáo kiểm toán, thanh tra cũng chưa chỉ ra được dự án nào, quy hoạch nào bị điều chỉnh không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý...

Sau chuyên đề giám sát tối cao tại kỳ họp này, Đoàn giám sát của QH đã kiến nghị Chính phủ phải chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đô thị để báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Mười. Kiến nghị này rất cần phải đưa vào nghị quyết giám sát tối cao của QH để xác lập yêu cầu chính thức của QH về vấn đề này. Trên cơ sở kết quả thanh tra, phải xử lý nghiêm minh đồng thời các cá nhân, tổ chức liên quan, cả cán bộ công chức, quan chức và doanh nghiệp, chủ đầu tư sai phạm bởi “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. Chừng nào chúng ta còn nhẹ tay trong xử lý các sai phạm, thì chừng đó tính nghiêm minh của pháp luật sẽ còn chông chênh trước lợi ích mà đất đai mang lại cho các đối tượng này.

Nguyễn Bình