Kiểm soát vi phạm an toàn thực phẩm

Không thể “cưỡi ngựa xem hoa”

- Thứ Bảy, 11/08/2018, 07:53 - Chia sẻ
Theo khẳng định của các chuyên gia, hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đạt được một số kết quả khả quan khi các vùng trồng trọt rau, củ, quả được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Tuy nhiên, còn quá nhiều cơ sở làm ăn bát nháo, chộp giật, cộng thêm đó là công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu cương quyết.

Chậm xử lý

Nhiều chuyên gia nhận định, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không bảo đảm vệ sinh vẫn còn chậm. Đơn cử như nạn thuốc bảo vệ thực vật chứa hai hoạt chất cực độc là 2.4D và Paraquat được bày bán tràn lan, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lâu nay đã được “chỉ mặt, vạch tên”, thế nhưng vẫn được nhập khẩu, sản xuất trong một năm nữa và được buôn bán, sử dụng thêm tối đa trong hai năm.

Thêm nữa, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm còn bị bỏ ngỏ, nhất là khi UBND cấp xã, phường - đơn vị trực tiếp quản lý công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở vẫn chưa được trang bị dụng cụ, trang thiết bị kiểm tra nhanh thực phẩm, nên việc đánh giá thực phẩm ở các hàng rong, vỉa hè, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới chỉ bằng mắt thường. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các thiết bị kiểm tra nhanh khá đắt đỏ, một bộ tổng hợp 16 chỉ tiêu có giá trên 10 triệu nên không thể trang bị cho từng địa phương, bộ, ngành, dẫn tới việc xác định cơ sở sản xuất có vi phạm về an toàn thực phẩm hay không để xử phạt không hề dễ.


Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm 

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, một bất cập nữa là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở xã, thị trấn ngày càng phát triển về số lượng và quy mô, song tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm tuyến xã chưa đồng bộ, lực lượng mỏng, nhân sự quản lý không có chuyên môn và thường là kiêm nhiệm nên còn ngại trong xử lý vi phạm.

Đáng nói là có đến 80% số đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến xã, phường chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, hoặc xử phạt mức thấp hơn quy định. Việc kiểm tra mới dừng ở xem xét cảm quan điều kiện sản xuất, kinh doanh còn kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng vẫn còn bỏ ngỏ. Tới khi xác định sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, không ít đoàn kiểm tra còn lúng túng trong việc lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm.

Nhiều khoảng trống pháp lý

 Theo Chỉ thị số 13/CT - TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Đỗ Hữu Tuấn khẳng định, còn nhiều khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa được hệ thống hóa; một số quy định còn thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương.

Sự thiếu nhất quán, chồng chéo trong các văn bản pháp luật cũng dẫn tới lúng túng khi kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Có văn bản quy định nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, lại yêu cầu tiếp nhận bản công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của tất cả các ngành, dẫn đến một sản phẩm, một cơ sở phải chịu sự quản lý của nhiều ngành khác nhau. Điều này dễ dẫn tới tình trạng “đá bóng trách nhiệm”, lỏng lẻo trong quản lý, kiểm soát.

Đại diện một số Sở Y tế khẳng định, việc phân cấp an toàn thực phẩm cho nhiều ngành, dẫn tới hoạt động kiểm tra, giám sát không những bị chồng chéo mà một số đối tượng có thể bị bỏ sót. Những khoảng trống pháp lý đó là nguyên nhân khiến việc phối hợp trong kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát chất lượng thực phẩm sau công bố tại một số địa phương chưa có sự thống nhất giữa các ngành.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Đỗ Hữu Tuấn cho rằng, bên cạnh rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cần sự phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp từ Trung ương đến địa phương, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/CT - TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới cũng như Chỉ thị số 13/CT - TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Dương Cầm