Làn sóng mới của đại dịch Covid-19

Không thể chủ quan

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:02 - Chia sẻ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo, SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid -19 lây lan toàn thế giới là loại không bùng phát theo mùa như virus cúm thông thường mà hoạt động trồi sụt ở tất cả các mùa. Cảnh báo này được đưa ra khi nhiều nơi trên thế giới từng kiểm soát dịch tốt lại phải đối mặt với khả năng làn sóng dịch thứ 2. Trong khi đó, cuộc đua tìm vaccine vẫn đang được tiến hành khẩn trương.

SARS-CoV-2 hoạt động cả bốn mùa

Mới đây, trong một cuộc họp trực tuyến, người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã kêu gọi mọi quốc gia duy trì các biện pháp kiềm chế dịch để hạn chế tối đa sự lây lan. Bệnh viêm phổi đã luôn là gánh nặng của hệ thống y tế, vì vậy Covid-19 sẽ thêm áp lực cho các y, bác sĩ. Bà Margaret đặc biệt khuyến cáo không nên đánh giá thấp khả năng lây lan của virus vào mùa hè, nhất là thời điểm các nước phía Bắc bán cầu đang chuyển mùa.

Bà Margaret nói: “Mọi người vẫn còn nghĩ virus sẽ biến mất khi vào mùa hè. Tôi phải nhấn mạnh rằng, đây là chủng virus mới có cách hoạt động hoàn toàn khác và bất thường”. “Nó yêu thích mọi thời tiết, đặc biệt là thích nhảy từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần, vì vậy chúng ta đừng cho nó cơ hội đó”. Người phát ngôn của WHO cho hay, nơi có tình hình dịch nghiêm trọng nhất và có số ca nhiễm cao nhất là Mỹ, dù nước này đang giữa mùa hè. Cả Brazil, quốc gia xích đạo, cũng vậy. Mỹ, Brazil và Ấn Độ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới. Tính đến ngày 29.7, toàn cầu có gần 16,9 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 662.000 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã lây lan hơn 213 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc tháng 12.2019. 

Trước phát biểu của bà Margaret không lâu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí đánh giá, đại dịch Covid-19 là “trường hợp khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất” mà cơ quan này từng đối mặt.

Các quan chức y tế nhận thấy SARS-CoV-2 hoạt động vượt quá tầm kiểm soát của con người. Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia vẫn đang chật vật kiểm soát tình trạng lây lan dù trước đó từng chế ngự được dịch bệnh. Virus có xu hướng quay trở lại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc tuần này đã có một trường hợp dương tính mới xuất hiện ở Bắc Kinh, sau 21 ngày. Chưa hết, các ổ dịch liên tiếp được phát hiện ở Tân Cương, Liêu Ninh, hay thành phố biển Đại Liên. Giới chức y tế Trung Quốc hôm 28.7 cho biết, một ổ dịch mới ở Đại Liên đã lây lan sang 5 tỉnh khác, trong đó có Phúc Kiến, buộc giới chức ban bố các biện pháp phong tỏa mới. Tokyo, Seoul, Hong Kong và Melbourne cũng đang lây nhiễm với tốc độ nhanh. Và thậm chí cả Việt Nam, quốc gia đã đi qua gần 100 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, giờ đang phải nỗ lực chiến đấu với ổ dịch mới ở Đà Nẵng.

Trong khi đó tại châu Âu, giới chức Đức và Anh cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể bùng phát theo vùng, khi số ca nhiễm mới bắt đầu tăng nhanh ở nhiều quốc gia sau nhiều tháng tưởng chừng đã khống chế được dịch. Thực tế, sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân, châu Âu đã kiểm soát được dịch và bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều hạn chế biên giới được dỡ bỏ hồi tháng 6. Tính đến 1.7, EU đã cho phép khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia nhập cảnh, tùy thuộc vào tình trạng dịch tễ học của họ. Tuy nhiên, số liệu thống kê Covid-19 mới nhất của châu Âu cho thấy, số ca nhiễm trung bình trên 100.000 người trong 2 tuần qua đã tăng. Chẳng hạn, tỷ lệ nhiễm ở Tây Ban Nha, nơi từng là ổ dịch lớn nhất châu Âu, hiện vào khoảng 47/100.000 người. Tình hình diễn biến phức tạp nhanh chóng buộc nhiều chính phủ phải thắt chặt biện pháp kiểm dịch, từ yêu cầu giãn cách xã hội, kiểm soát người đến từ vùng dịch, cấm tụ tập đông người đến bắt buộc đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng…

Gấp rút tìm vaccine

Khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, cuộc đua tìm vaccine và thuốc đặc trị đang được thực hiện gấp rút và khẩn trương hơn bao giờ hết để đưa thế giới “trở lại bình thường”. Theo WHO, hiện có khoảng 25 loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới.

Đáng chú ý là hôm 27.7, một loại vaccine mang tên mRNA-1273 do hãng dược phẩm Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát triển, đã bắt đầu bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 và sớm được thử nghiệm rộng rãi trên 30.000 tình nguyện viên. Một người ở thành phố Savannah, bang Georgia, đã trở thành người đầu tiên được sử dụng loại vaccine này. Nếu thành công, nó sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi cuối năm nay. Một số hãng dược phẩm, bao gồm Moderna, đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ liên bang Mỹ thông qua chương trình “Operation Warp Speed”. Tính đến nay, số tiền hỗ trợ cho Moderna lên tới gần 1 tỷ USD.

Trước đó một hôm (26.7), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Cao Phúc cho biết, ông đã tiêm vaccine thử nghiệm Covid-19 nhằm khuyến khích công chúng noi theo, một khi vaccine được phê chuẩn. Hiện Trung Quốc 8 loại vaccine thử nghiệm, nhiều nhất so với các nước khác.

Ông Cao Phúc không nói rõ loại vaccine đã được tiêm, nhưng khẳng định động thái của mình nhằm dẹp bỏ những thuyết âm mưu gần đây trong cộng đồng khoa học. “Mọi người đều nghi ngờ về vaccine Covid-19 mới. Là một nhà khoa học, bạn phải dũng cảm. Nếu chúng tôi thậm chí không làm việc đó, làm thế nào chúng tôi có thể thuyết phục cả thế giới tiêm chủng?”, ông nói.

Theo CNN, Nga có thể trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 10.8 tới hoặc sớm hơn. Loại vaccine này được Viện Gamaleya trụ sở tại Moscow nghiên cứu, phát triển và được cho là sẽ được chấp thuận sử dụng cho cộng đồng, trong đó các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên. Thực tế đến nay, Moscow chưa công bố bất cứ dữ liệu khoa học về thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19, nhưng CNN dẫn lời các nhà khoa học Nga nói rằng, vaccine đã được phát triển nhanh chóng vì đây là phiên bản sửa đổi của một loại đã được tạo ra để chống lại các bệnh khác. Đây cũng chính là cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều quốc gia và các công ty khác. Có người cho rằng, bước tiến mới của Nga trong nghiên cứu vaccine mới này được ví như sự kiện phóng thành công vệ tinh đầu tiên của thế giới năm 1957.

Hồi đầu tháng, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các điệp viên Nga đột nhập vào phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp bí mật phát triển vaccine ngừa Covid-19.        

Ngọc Minh