Chính sách và cuộc sống

Không thể “chín ép”

- Thứ Năm, 26/03/2020, 07:09 - Chia sẻ
“Trong các dự án luật thì tôi lo nhất là dự án luật này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ khi bắt đầu phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24.3. Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đến thời điểm này, dù đã qua rất nhiều bước hoàn thiện nhưng dự luật PPP vẫn còn ngổn ngang quá nhiều vấn đề.

Một trong số đó là sự thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật. Kể từ sau Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đã phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát sự đồng bộ, thống nhất giữa dự luật PPP với các luật hiện hành, đặc biệt là với các nội dung đang được xem xét sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai... Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Pháp luật lại cho thấy chưa thể yên tâm về vấn đề này, mà trước hết là, nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật”.

Việc ưu tiên áp dụng Luật PPP trong một số trường hợp để có một hệ thống pháp luật ổn định sẽ làm cho nhà đầu tư yên tâm vì “vòng đời” của dự án PPP là rất dài, có khi tới vài chục năm. Đây là mong muốn chính đáng. Nhưng dự luật PPP lại quy định một nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật để bằng luật này có thể thực hiện tập trung mà bỏ qua các quy định của các luật khác theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng sẽ tạo rủi ro rất lớn về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Khác với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng có nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật là vì phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư rất rộng, chồng lấn với rất nhiều quy định của các luật chuyên ngành khác. Còn Luật PPP có phạm vi điều chỉnh rất cụ thể, chỉ liên quan đến dự án hợp tác công - tư thôi và cũng không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác.

Như vậy, việc cần có một nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật PPP giống như Luật Đầu tư phải hết sức cân nhắc. “Nếu quy định theo tinh thần dự luật, chúng tôi thấy Luật PPP sẽ vô hiệu hóa rất nhiều quy định mà chúng ta đã ban hành với mong muốn bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả trong các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công...”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nhiều quy định cụ thể đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn ra để minh chứng cho nhận định trên. Đơn cử như Điều 70 về sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP chỉ quy định rất đơn giản về mục đích sử dụng vốn Nhà nước, sau đó giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP. Vậy nghị định mà Chính phủ ban hành liệu có quy định khác với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công được hay không? Đây cũng là vấn đề mà tính khả thi và nguy cơ sau này có mâu thuẫn, chồng chéo là rất lớn.

Hay Điều 40 của Luật Đầu tư công đang quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo phương thức đối tác công - tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trừ dự án quan trọng quốc gia. Điều này có nghĩa là nếu đã là dự án quan trọng quốc gia thì cho dù là dự án PPP cũng vẫn phải thực hiện theo Luật Đầu tư công. Nhưng trong dự luật PPP thì các quy định từ Điều 20 đến Điều 24 liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án PPP lại áp dụng chung cho tất cả các loại dự án bao gồm cả dự án quan trọng quốc gia.

Như vậy, dự luật PPP đã có sự mâu thuẫn ngay với Luật Đầu tư công. Nếu cứ ban hành thì sau này, các doanh nghiệp PPP sẽ lại vướng mắc, không biết áp dụng theo Luật Đầu tư công hay Luật PPP khi thực hiện dự án quan trọng quốc gia. Tương tự là quy định liên quan đến việc thanh toán hợp đồng BT, hợp đồng xây dựng chuyển giao. Dự luật PPP chỉ quy định hình thức thanh toán bằng bán đấu giá tài sản công nhưng không quy định cơ chế thực hiện. Nếu nhà nước bán đấu giá tài sản công, thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư thì sẽ mâu thuẫn ngay với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thậm chí là Hiến pháp. Bởi lẽ, Hiến pháp quy định mọi khoản thu chi ngân sách đều phải được dự toán còn Luật Ngân sách Nhà nước quy định tất cả mọi khoản thu từ bán tài sản công đều phải nộp vào ngân sách.

Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý sẽ phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và minh bạch của dự luật PPP. Cần nói thêm rằng, tính thống nhất với hệ thống pháp luật mới chỉ là 1 trong 11 vấn đề lớn, cốt lõi còn ý kiến khác nhau của dự luật này. Chúng ta mong muốn có một đạo luật thật mạnh mẽ, thật hấp dẫn để kích hoạt được nguồn lực tư nhân cùng tham gia đầu tư, phát triển đất nước. Nhưng cũng chính vì thế mà dự luật PPP không thể “chín ép” được. Phải xử lý thỏa đáng các vấn đề lớn đã được chỉ ra bởi nếu không, như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã cảnh báo, “có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta không lường được”.

Lam Anh