Báo cáo tai nạn lao động

Không siết chặt, khó răn đe

- Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:43 - Chia sẻ
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, việc khai báo, thống kê, báo cáo về tình hình tai nạn lao động là một trong những việc làm bắt buộc và phải được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rất thấp. Trong năm 2017, chỉ có khoảng 5,4% doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động.

Vì sao không báo cáo?

Theo thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017 cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn, số vụ tai nạn lao động chết người lên đến 898 vụ làm 928 người chết. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 7.749 vụ TNLĐ, làm 7.907 người bị nạn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình TNLĐ chưa nghiêm, chính vì vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ gặp nhiều khó khăn, chưa chính xác, chưa đánh giá đúng thực tế.


Thực hiện giảm tần suất tai nạn lao động, trong năm 2019, Dự án 3 -  Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu ngăn chặn và giảm trên 6% TNLĐ chết người trong lĩnh vực có nguy cơ cao; tăng thêm 200 doanh nghiệp được hỗ trợ  áp dụng các mô hình an toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ huấn luyện 20.000 người có yêu cầu nghề nghiệp về an toàn vệ sinh lao động, 10.000 người làm công tác an toàn vệ sinh lao động; 1.500 người làm công tác y tế, lao động và 1.000 an toàn vệ sinh viên; hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp đến 50 làng nghề, 500 hợp tác xã, 20.000 hội viên nông dân…

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến việc khai báo TNLĐ không được thực thi do thiếu ý thức chấp hành đến mức coi thường các quy định pháp luật của người sử dụng lao động. Rất nhiều người sử dụng lao động biết các quy định của pháp luật nhưng do việc thực hiện bảo hộ lao động còn nhiều sai phạm, thiếu sót nên khi có TNLĐ xảy ra, thường tìm mọi cách để che giấu và thỏa thuận bồi thường với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý chưa có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo hộ lao động xử lý chưa nghiêm minh, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Bên cạnh đó, những biểu mẫu về thống kê, báo cáo TNLĐ hiện hành còn rườm rà, khó thực hiện, gây cho các doanh nghiệp tâm lý “ngại” dẫn đến việc phổ biến vi phạm pháp luật về khai báo, thống kê, báo cáo về bảo hộ lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng  cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ báo cáo TNLĐ thấp là hệ thống thống kê báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn có những bất cập, khó thực hiện. Ở góc độ cơ quan quản lý về bệnh nghề nghiệp, Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Lương Mai Anh cũng cho rằng, hiện nay cách thức đánh giá, dữ liệu, chất lượng báo cáo của địa phương và bộ, ngành chưa đầy đủ, kịp thời gian. Số liệu khám bệnh nghề nghiệp và giám định bệnh nghề nghiệp luôn không đồng nhất. Thủ tục giám định bệnh nghề nghiệp phức tạp nên số liệu bệnh nghề nghiệp luôn thấp hơn so với thực tế. Nhân lực thực hiện công tác báo cáo kiêm nhiệm, thiếu và luân chuyển nhiều, thiếu kiến thức và kinh nghiệm...

Người lao động chịu thiệt

Thực tế cho thấy, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là vấn đề cần được ưu tiên và yếu tố cơ bản quan trọng góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chính là công tác báo cáo thực trạng về TNLĐ. Có không ít người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi vì không yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo TNLĐ với ngành chức năng.

Thực tế, nhìn vào con số báo cáo về tình hình TNLĐ hàng năm cũng có thể biết được hậu quả dẫn đến như thế nào. Do vậy, để chấn chỉnh công tác khai báo, thống kê, báo cáo trong công tác bảo hiểm lao động, nhất là khai báo TNLĐ, các cấp quản lý cần coi trọng công tác khai báo, thống kê, báo cáo, nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của nó. Các quy định, biểu mẫu về lĩnh vực này cần được rà soát, xem xét sửa đổi cho đơn giản hơn. Hình thức khai báo, báo cáo qua mạng internet cũng cần được xem xét để giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, công sức cho các doanh nghiệp.

Được biết, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục An toàn lao động xây dựng dự án lớn về Cơ sở dữ liệu an toàn vệ sinh lao động, nhằm kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương, xã, phường, doanh nghiệp... Hy vọng, khi dự án hoàn thành công tác báo cáo sẽ được thực hiện thông qua hệ thống mạng, giúp cho công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động nhanh chóng và thuận lợi, chính xác. Từ đó, công tác khai báo TNLĐ được thực hiện nghiêm hơn.

Thái Yến