Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vì chứa natri benzoat

Không phát hiện cơ sở chế biến vi phạm

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 09:28 - Chia sẻ
Liên quan việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan bị tịch thu tại Nhật vì chứa acid benzoic và acid sorbic (dạng muối là natri benzoat và kali sorbat), Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Bộ NN - PTNT NGUYỄN NHƯ TIỆP với tư cách là cơ quan trực tiếp quản lý mặt hàng này. Ông Tiệp khẳng định, sản phẩm đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm và hiện chưa phát hiện cơ sở chế biến tương ớt vi phạm.

Đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm

- Thưa ông, đến nay, Cục đã nhận được thông tin chính thức nào từ phía Nhật Bản hay Công ty Masan liên quan đến vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị tịch thu tại Nhật vì chứa acid benzoic và acid sorbic chưa?

- Đến thời điểm này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Nhật Bản cũng như từ Công ty Masan. Ngày 9.4.2019, Cục nhận được công văn số 1052/ATTP-KN ngày 8.4.2019 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về việc thu hồi tương ớt Chin-su tại Nhật Bản. Ngày 10.4.2019, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã chuyển tiếp văn bản trên sang Cục Bảo vệ thực vật để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao (công văn số 637/QLCL-CL2).

- Trên nhãn sản phẩm tương ớt Chin-su ghi thành phần bao gồm: “Nước, đường, ớt 110g/kg, muối, tinh bột biến tính (1422), tỏi, cà chua cô đặc, dextroza, maltodextrin, chất điều vị (621,620,635), chất điều chỉnh độ axit (260,330), chất ổn định (415), chất bảo quản (211, 202), gia vị hỗn hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950, 951), hương tổng hợp, màu thực phẩm (110, 124), chất chống oxy hóa (223, 221, 300), bột wasabi”. Người tiêu dùng lo ngại sản phẩm này có nhiều chất phụ gia, ý kiến của ông thế nào?

- Qua kiểm tra các thành phần phụ gia nêu trên đều nằm trong quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm. Sản phẩm thực phẩm được đưa ra thị trường sau khi cơ sở sản xuất tự công bố phù hợp với quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra đối chiếu cho thấy, sản phẩm đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng có thể yên tâm (?!)

- Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có trách nhiệm quản lý việc chế biến tương ớt. Vậy công tác quản lý hiện nay đang được thực hiện thế nào?

- Theo phân công của Bộ NN - PTNT, Cục được giao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thẩm định và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, trong đó có sản phẩm tương ớt. Việc trực tiếp quản lý, kiểm tra, thẩm định, chứng nhận cơ sở chế biến đã được Bộ phân cấp cho Sở NN – PTNT địa phương.

- Điều mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay là các sản phẩm tương ớt được bày bán trên thị trường liệu có bảo đảm về chất lượng không, thưa ông?


Tương ớt Chin-su đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm
Nguồn: Báo Tuổi trẻ

 - Các văn bản quy định hiện nay liên quan đến sản phẩm tương ớt nói riêng, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật nói chung của Việt Nam về cơ bản đã đầy đủ.  Theo đó, các quy định đã được nêu đầy đủ trong Luật An toàn thực phẩm (2010), Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm; TCVN 7397:2014 về tương ớt… Các quy định trên hài hòa với quy định của quốc tế như Tổ chức Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex).

Đối với sản phẩm được sản xuất từ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo đảm an toàn thực phẩm như ISO, HACCP; đã công bố sản phẩm phù hợp quy định về an toàn thực phẩm; hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; thông tin trên bao bì, nhãn mác sản phẩm đầy đủ và rõ ràng về thành phần và nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng có thể tin tưởng lựa chọn sử dụng.

- Đến nay, Cục đã kiểm tra việc thực hiện các quy định có liên quan tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như tương ớt chưa và kết quả ra sao, thưa ông?

- Việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở chế biến tương ớt được Sở NN - PTNT tổ chức thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN - PTNT. Ngoài ra việc hậu kiểm, kiểm tra và thanh tra đột xuất cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của các địa phương gửi về, kết quả triển khai trong thời gian qua cho thấy, các cơ sở sơ chế, chế biến đã chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm và không có cơ sở chế biến tương ớt vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

- Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc có thay đổi loại chất bảo quản để tương ớt tương tự yêu cầu của Nhật Bản để an toàn hơn cần có sự vào cuộc của cả Bộ Y tế và Bộ NN - PTNT vì là cơ quan trực tiếp quản lý sản phẩm tương ớt. Vậy ý kiến của ông thế nào?

- Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khi có yêu cầu.

­- Xin cảm ơn ông!

“An toàn cho người sử dụng”

Ngày 12.4.2019, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Trần Việt Nga ký văn bản trả lời Công văn số 36/CV – MS của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan về việc làm rõ quy định của Việt Nam cũng như Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) đối với việc sử dụng acid benzoic hoặc muối natri benzoat và acid sorbic hoặc muối kali sorbat trong thực phẩm nói chung, tương ớt nói riêng.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, đây là những chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt theo quy định tại Thông tư số 27/2012 và Thông tư số 08/2015 của Bộ Y tế với hàm lượng tối đa là 1000mg/kg sản phẩm. Đây cũng là quy định của Codex gồm 189 thành viên. “Như vậy, sản phẩm tương ớt Chin-su của Công ty sử dụng chất bảo quản acid benzoic hoặc muối natri benzoat và sử dụng acid sorbic hoặc kali sorbat với hàm lượng không vượt quá 1000mg/kg sản phẩm (tính theo acid sorbic) là phù hợp với quy định của Việt Nam và Codex và an toàn cho người sử dụng”, văn bản nêu rõ.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc sử dụng các chất này trong tương ớt theo quy định của pháp luật hiện hành không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có).

Đan Thanh thực hiện