Về dự kiến tỷ lệ Đại biểu quốc hội là Doanh nhân

Không phải cứ nhiều mới đại diện tốt

- Thứ Sáu, 26/02/2016, 08:06 - Chia sẻ
Đó là quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN khi trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân về dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH Khóa XIV. Ông cũng lưu ý, đã qua thời kỳ một ĐBQH là doanh nhân lấy ví dụ từ doanh nghiệp mình để tham gia hoạch định chính sách, pháp luật tại QH. Phải phát triển lên một mức độ mới là: ý kiến của ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp phải được xây dựng, chắt lọc từ ý kiến, mong muốn của các doanh nghiệp thông qua hiệp hội. Hội nhập kinh tế quốc tế là ở đấy chứ không phải là ở số lượng nhiều hay ít ĐBQH là doanh nhân.

>> Tôi tin rằng bà con vẫn nhớ!

>> “Tăng thêm sức mạnh cho quản lý thị trường”

>> Phải bảo đảm hệ thống ngân hàng lành mạnh, có "sức khoẻ" tốt


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu trao đổi bên hành lang kỳ họp
Ảnh: Lâm Hiển

Hội nhập không chỉ có doanh nhân

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các ĐBQH là doanh nhân trong QH?


Ảnh: Trung Thành

- Trong những nhiệm kỳ gần đây, ĐBQH là doanh nhân đã tích cực tham gia hoạt động của QH trên các lĩnh vực, từ vị trí và hoạt động thực tiễn của mình, họ đều có những đóng góp nhất định cho thành công chung của QH. Theo quan sát của tôi thì, các ĐBQH là doanh nhân tham gia vào hoạt động của QH sôi động hơn so với đại biểu theo cơ cấu khác như giáo viên, thanh niên…

- Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước đến nay. Áp lực hội nhập đòi hỏi rất cao vai trò của các doanh nghiệp. Nhưng dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH Khóa XIV là đại diện cho doanh nghiệp lại giảm khá mạnh. Ông có bình luận gì về vấn đề này? 

- Ai nói vì hội nhập nên số lượng ĐBQH là doanh nhân phải tăng lên là nhầm đấy. Vì hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ có doanh nhân. Hơn nữa, hội nhập kinh tế quốc tế càng mạnh thì doanh nhân càng không thể hoạt động đơn lẻ được. Sức ép cạnh tranh càng lớn thì tiếng nói của Hiệp hội càng quan trọng và có trọng lượng hơn so với tiếng nói của một doanh nhân đơn lẻ.

Thực tế, qua quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh Hải quan và mới đây nhất là TPP thì rõ ràng, vai trò của Hiệp hội được các quốc gia phát triển chú trọng hơn nhiều. Ví dụ, trong lĩnh vực xuất khẩu thủy, hải sản, một doanh nghiệp dù lớn cỡ nào cũng không thể đấu lại Hiệp hội cá da trơn của Mỹ được mà phải thông qua Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Càng hội nhập mạnh thì doanh nghiệp càng phải liên kết nhau lại, mà trước hết là phải liên kết thông qua hiệp hội mới đúng tính chất của một nền kinh tế mở mà chúng ta đã cam kết với các Hiệp định kinh tế thương mại kiểu mới.  

Dự kiến cơ cấu rất thoáng

1. Phân bổ cơ cấu ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp theo hướng tăng đại diện ở các hiệp hội là đúng vì hiệp hội mới là tổ chức đại diện cho tầng lớp doanh nhân. Không thể đi theo hướng cá nhân như trước đây. Ở các nước, doanh nhân khi tham gia nghị trường là phải từ bỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ bỏ vai doanh nhân và chỉ đại diện cho hiệp hội để tham gia nghị trường thôi. Vì thế, tư duy của chúng ta cũng phải thay đổi, phát triển dần lên. Nói ít doanh nghiệp, doanh nhân trong QH sẽ làm mất tính đại diện của doanh nghiệp là không đúng.   

2. Doanh nhân tham gia QH thực ra cũng có những rủi ro nhất định. Nếu anh toàn tâm, toàn ý làm người đại diện, thẳng thắn nói lên tiếng nói của các doanh nghiệp, của người dân thì sẽ không tránh được việc sẽ động chạm đến người này, người kia, cơ quan này, cơ quan khác. Điều này, tất nhiên sẽ không có lợi gì cho hoạt động của doanh nghiệp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN

- Điểm mới trong dự kiến cơ cấu, thành phần lần này là tuy giảm số lượng ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp nói chung nhưng đại diện cho hiệp hội sẽ tăng lên. Từ thực tế hoạt động của QH các nhiệm kỳ vừa qua và yêu cầu đặt ra đối với QH Khóa XIV, theo ông, dự kiến cơ cấu như vậy có hợp lý không?

- Từ góc độ như tôi đã phân tích ở trên thì rõ ràng, tăng đại diện của các hiệp hội trong QH hợp lý hơn là tăng số lượng ĐBQH là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh chứ. Vì tiếng nói của hiệp hội sẽ là tiếng nói chung của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp, sẽ đa diện và có sức nặng hơn nhiều.

Thực tế hoạt động của QH 3 khóa trở lại đây cũng cho thấy, tiếng nói của ĐBQH là doanh nhân không tiêu biểu bằng tiếng nói của ĐBQH là đại diện cho các hiệp hội. Chúng ta thấy, ở diễn đàn QH thì ĐBQH Cao Sỹ Kiêm với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ĐBQH Vũ Tiến Lộc với vai trò là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp nói chung phát biểu rất nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Các ý kiến này rất có trọng lượng và đã được cơ quan hữu quan tiếp thu ngay, thể hiện trong các luật, nghị quyết… của QH.

Theo tôi, không nên câu nệ chỉ doanh nhân mới đại diện tốt cho doanh nhân. Chúng ta đã qua thời kỳ một ĐBQH là doanh nhân lấy ví dụ từ doanh nghiệp mình ra để phát biểu, để tham gia hoạch định chính sách, pháp luật. Phải phát triển lên một mức độ mới là: ý kiến của ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp phải được xây dựng, chắt lọc từ ý kiến, mong muốn của các doanh nghiệp thông qua hiệp hội. Hội nhập kinh tế quốc tế là ở đấy chứ không phải là ở số lượng nhiều hay ít ĐBQH là doanh nhân.

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bên hành lang kỳ họp Quốc hội Ảnh: Lâm Hiển

- Thực ra, dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH Khóa XIV cũng không cấm các doanh nghiệp tự ra ứng cử, thưa ông?

- Dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH Khóa XIV được UBTVQH xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổng kết thực tiễn hoạt động của QH và những nhiệm vụ đặt ra cho QH Khóa XIV. Đây mới là dự kiến chứ UBTVQH không ngăn cản việc doanh nhân tự ứng cử.

Các doanh nghiệp trải qua hoạt động thực tế tại địa phương, làm được nhiều việc có lợi cho địa phương, cho người dân, được nhân dân tín nhiệm thì hoàn toàn có thể tự ứng cử. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ Khóa XIII, một lãnh đạo cấp cao được Trung ương giới thiệu ứng cử đã phải nhường ghế ĐBQH cho một doanh nghiệp ở địa phương. Đó là chuyện bình thường. Nếu doanh nghiệp làm tốt sẽ được xã hội ghi nhận, được cử tri ủng hộ.

Mặt khác, các địa phương có toàn quyền giới thiệu người ứng cử ĐBQH. Cơ cấu dành cho ĐBQH trẻ, ngoài Đảng, thuộc các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp… vẫn rất nhiều. Ví dụ, Vĩnh Phúc hiện đang là tỉnh có tỷ trọng công nghiệp lớn nhất của cả nước thấy rằng phải có tiếng nói của doanh nghiệp trong cơ quan lập pháp cao nhất thì hoàn toàn có quyền giới thiệu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hoặc FDI trong cơ cấu của địa phương. Hay cũng là doanh nghiệp nhưng tỉnh miền Tây Nam Bộ thì có thể giới thiệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản… Vì thế, cơ cấu, dự kiến đưa ra như vậy là rất thoáng chứ không phải hẹp. UBTVQH không quy định tỉnh này, địa phương này có mấy doanh nhân là ĐBQH mà là do Ủy ban MTTQ địa phương đó hiệp thương và thấy rằng cần phải có tiếng nói đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực này, lĩnh vực kia vì đó là đặc thù thì địa phương cứ giới thiệu.

- Như vậy, để tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến được với QH thì điều quan trọng không phải là nhiều hay ít doanh nhân tham gia QH…

- … mà là vị thế, vai trò, tiếng nói, chất lượng hoạt động của đại biểu là doanh nhân đó như thế nào. Ít mà phát biểu đúng, phương pháp hoạt động đúng thì sẽ tập hợp được đông đảo tiếng nói ủng hộ. Không phải cứ nhiều doanh nghiệp mới bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

An Nhiên thực hiện