Dư âm Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV

Không ngại va chạm để tìm tiếng nói chung

- Thứ Sáu, 29/11/2019, 08:19 - Chia sẻ
Khẳng định Kỳ họp thứ Tám đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, ĐBQH NGUYỄN VĂN HIỂN (LÂM ĐỒNG) cho biết, các đại biểu Quốc hội đã không ngại va chạm, không có chuyện “anh nói chuyện anh, tôi nói chuyện tôi” mà sẵn sàng phản biện, phân tích trở lại cùng với các trưởng ngành, với các đại biểu khác để tìm ra chân lý, tìm ra tiếng nói và sự thống nhất chung.

Tranh luận để đi đến đồng thuận

- Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV vừa kết thúc với rất nhiều dấu ấn, được cử tri và nhân dân nhận định là Quốc hội ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn. Cá nhân ông nhìn nhận thế nào về kỳ họp này?

- Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp mà chúng ta đã đi đến gần cuối của nhiệm kỳ Khóa XIV, đây là một trong những kỳ họp có chương trình nghị sự nặng nhất, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật và 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật. Tỷ lệ đồng thuận khi thông qua rất cao như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ là chúng ta đã tiếp tục tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

 Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liên giữa Việt Nam và Campuchia. Nghị quyết thông qua là kết quả của quá trình dài đàm phán, thương thảo. Đây là nỗ lực rất lớn, đáng ghi nhận của Quốc hội, Chính phủ hai nước, tạo bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Campuchia.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)

Một kỳ họp mà không khí tranh luận rất sôi nổi, nhiều ý kiến phản ánh, kỳ họp này thật sự rất hấp dẫn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không ngại va chạm, không có chuyện “anh nói chuyện anh, tôi nói chuyện tôi” mà sẵn sàng phản biện, phân tích trở lại cùng với các vị trưởng ngành, với các đại biểu khác để tìm ra chân lý, tìm ra tiếng nói và sự thống nhất chung. Quốc hội rất dân chủ và tôi cũng đánh giá cao sự điều hành của các chủ tọa đã giúp các phiên thảo luận, phiên chất vấn đi đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, rút gọn vấn đề, không bị dàn trải, phân tán.

- Ông có nhắc đến tranh luận để đi đến đồng thuận. Thực tế tại Kỳ họp thứ Tám rất nhiều luật trước khi thông qua đều có những vấn đề còn ý kiến trái chiều, nhưng khi bấm nút lại có tỷ lệ trên 90%  ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành?

- Điều này phản ánh quy trình làm luật rất công khai, minh bạch. Chúng ta có sự tham gia ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học. Mỗi ĐBQH đứng trên phương diện khác nhau để thể hiện quan điểm của mình, nhưng quan trọng là chúng ta luôn tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn, có đánh giá tác động sâu sắc, kỹ càng, mang tính thuyết phục cao. Đơn cử như Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ được thông qua khi đã lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý. Bộ luật hướng tới bảo đảm sự ổn định, hài hòa trong quan hệ lao động, được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi đã đưa khuôn khổ pháp luật nước ta tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Bộ luật đã mở rộng phạm vi bảo vệ pháp luật tới người lao động không có hợp đồng, quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên, quy định riêng đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới. Hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động. Người lao động được bổ sung một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2.9. Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam, linh hoạt hơn quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động…

Tạo tiền đề liên thông nguồn nhân lực chất lượng cao

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng nhận được sự quan tâm khi chúng ta dần xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, thưa ông?

- Luật được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay. Chúng ta xác định rõ chính sách người có tài năng trong hoạt động công vụ; xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời bằng cách không áp dụng hợp đồng không xác định thời hạn đối với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1.7.2020. Hợp đồng không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 3 trường hợp, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Mở rộng cánh cửa bước chân vào công chức đó là ngoài hình thức thi tuyển, luật cho phép bổ sung hình thức xét tuyển với các trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; người có tài năng… Tạo tiền đề cho tương lai sẽ liên thông nguồn nhân lực chất lượng cao, hiệu quả giữa khối trong Nhà nước và ngoài Nhà nước.

- Thay đổi tư duy chưa bao giờ là việc dễ dàng, hơn nữa biên chế suốt đời dường như mới là cái níu giữ công chức, viên chức yên tâm công tác. Liệu quy định này có gây ra sự xáo trộn trong công tác nhân sự tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập?

- Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý, thủ trưởng đơn vị và bản thân cán bộ, công chức, viên chức. Nhà quản lý có quyền sắp xếp vị trí việc làm, sử dụng nhân lực ở mức năng suất cao nhất. Đối với viên chức, chúng ta đặt ra giới hạn làm việc theo hợp đồng chính là tạo ra sự chay đua đối với chính bản thân viên chức, chạy đua với sự phát triển chung của thời cuộc. Nếu chúng ta không tự hoàn thiện mình, không tự làm mới mình, không tự nâng cao chuyên môn của mình thì chúng ta sẽ bị đào thải. Đây là quy luật rất bình thường, các khối tư nhân đã áp dụng từ lâu; điều này sẽ tránh tư duy lối mòn cứ vào viên chức là yên vị. Tuy nhiên chúng ta cũng cần đặt ra cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị, vì lẽ khi vận dụng pháp luật không tốt sẽ dẫn đến yếu tố chủ quan trong đánh giá, sử dụng viên chức. Đồng thời báo chí cần phối hợp tích cực tuyên truyền để người quản lý lao động, viên chức hiểu đúng ý nghĩa của điều luật này.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện