Hạn chế tốc độ qua cổng trường học

Không nên quy định cứng

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:22 - Chia sẻ
Nhằm bảo đảm an toàn giao thông, việc hạn chế tốc độ phương tiện tại các khu vực trường học là cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định cứng, mà cần có những nghiên cứu cụ thể theo điều kiện đường sá, địa hình của từng khu vực để quy định tốc độ, cũng như phương án tổ chức giao thông phù hợp.

Giảm tốc độ - trường học an toàn

Để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và các em học sinh qua khu vực cổng trường học, từ tháng 4.2018 đến nay, Dự án Giảm tốc độ - trường học an toàn do Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức thực hiện đã được triển khai thí điểm tại trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (nằm trên tỉnh lộ 670, xã Biển Hồ, TP Pleiku) và trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ 19, phường Thắng Lợi, TP Pleiku).

Theo Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai Phan Hữu Hiếu, sau 2 năm thực hiện dự án, 2 trường học đều đã thành công trong việc nâng mức độ an toàn lên 5 sao. Trong đó, điều quan trọng nhất là dự án đã giúp người tham gia giao thông và các phụ huynh nhận thức được bảo vệ các em học sinh bằng việc giảm tốc độ mỗi khi đi qua khu vực trường học. Qua theo dõi, kết quả giảm tốc độ tối đa của các phương tiện khi lưu thông qua khu vực trường học đã thay đổi rõ rệt, với mức giảm tốc độ là 18 - 21km/h. Đặc biệt, trong số các vụ va chạm giao thông xảy ra đối với học sinh, tỷ lệ va chạm xảy ra gần khu vực hai trường giảm từ 34,1% xuống 30,4%. Kết quả khảo sát ở phụ huynh cũng cho thấy, tỷ lệ phụ huynh học sinh có thể xác định chính xác giới hạn tốc độ tại khu vực các trường học đã tăng từ 15,9% ở đầu kỳ lên 65,8% ở cuối kỳ.

Để đạt được kết quả này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, dự án đã thiết kế và xây dựng mô hình cải tạo trường học an toàn một cách toàn diện. Đơn cử, dự án đã bổ sung biển báo giảm tốc độ xuống 20km/h tại các khung giờ cao điểm; cải tạo cơ sở hạ tầng như bố trí cụm vạch sang đường nâng cao, đèn cảnh báo chớp vàng, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, hướng dẫn phụ huynh đỗ xe và cải tạo hơn 1.000m2 vỉa hè, giúp giảm thiểu mức độ nguy hiểm tại khu vực trường học. Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua tờ rơi, bảng tuyên truyền, mạng xã hội, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những đợt ra quân xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Ký kết Thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giai đoạn II dự án Giảm tốc độ - Trường học an toàn  

Cần nghiên cứu cụ thể

Giai đoạn II của Dự án Giảm tốc độ - trường học an toàn sẽ tiếp tục được triển khai từ tháng 7.2020 - 3.2022, tập trung vào việc vận động chính sách thông qua hợp tác với chính quyền địa phương và phối hợp công tác tuần tra xử lý vi phạm tốc độ cùng lực lượng cảnh sát giao thông.

Trước những kết quả đã đạt được của Dự án Giảm tốc độ - Trường học an toàn, Ủy ban An toàn quốc gia đã đề xuất luật hóa tốc độ 30km/h qua cổng trường học. Lý giải về đề xuất, đại diện Ủy ban An toàn quốc gia cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, nếu giảm tốc độ 5%, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm tới 30%. Như vậy, nếu tốc độ phương tiện giảm, thì mức độ an toàn tăng lên và số lượng các vụ va chạm cũng giảm đi. Cùng với đó, hiện nay một số đô thị trên thế giới cũng đang thực hiện thành công giải pháp hạn chế tốc độ 30km/h tại các khu vực trường học để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ cũng như các em học sinh.

Đồng tình với sự cần thiết phải giảm tốc độ qua khu vực trường học, song theo Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Nguyễn Quang Nhật, việc hạn chế tốc độ cần có những nghiên cứu thỏa đáng về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi, trên thế giới, phần lớn trường học nằm trong đô thị, cạnh các đường nhánh, đường kết nối; còn tại Việt Nam, điều kiện hạ tầng có một số khác biệt và do sự phát triển không theo quy hoạch nên có một số lượng không nhỏ các trường học nằm sát đường quốc lộ, đe dọa đến sự an toàn của các em học sinh khi tham gia giao thông. Do đó, nếu quy định "cứng" sẽ khó khăn trong việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tình hình giao thông. 

Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Tổng cục đường bộ Vũ Ngọc Lăng cũng cho rằng, quốc lộ, tỉnh lộ có chức năng kết nối giao thông phục vụ cho những chuyến đi đường dài và với vận tốc lớn nên nếu áp đặt bằng các quy định "cứng" cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông, ít nhiều sẽ gây tác động đến lưu thông trên tuyến, ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển xã hội. Theo đó, ùn tắc giao thông có thể xảy ra trên quốc lộ, đường liên tỉnh, đường trục chính nếu xe buộc phải giảm sâu tốc độ qua cổng trường, ngay cả những thời điểm học sinh đang ngồi trong lớp, hay vào ngày nghỉ, kỳ nghỉ. Chưa kể, theo quy định hiện hành, người lái xe buộc phải giảm tốc độ về ngưỡng an toàn và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ ở những nơi có vạch sang đường dành cho người đi bộ, khi gặp biển báo khu vực có trẻ em, khi có gờ giảm tốc, biển báo khu vực đông dân cư. Để khả thi, các cơ quan quản lý giao thông cần nghiên cứu dựa trên điều kiện cụ thể từng khu vực, với mức độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khác nhau để quy định tốc độ, cũng như phương án tổ chức giao thông phù hợp.

Hiểu Lam