Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư:

Không nên mở rộng đối tượng áp dụng sang doanh nghiệp nhà nước

- Thứ Ba, 12/05/2020, 16:55 - Chia sẻ
Theo thông lệ quốc tế, Hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) là hợp đồng hành chính, trong đó Nhà nước là một bên dùng quyền lực công, tài sản công hợp tác với các đối tác tư nhân để cung cấp dịch vụ công và do đó cần có sự giám sát của nhân dân về nội dung của hợp đồng sau khi chính thức có hiệu lực (chứ không chỉ giám sát chung theo Điều 84 và 85 dự thảo); bảo đảm quyền khởi kiện của người dân với tư cách là người sử dụng dịch vụ công khi dịch vụ công đó được cung cấp không đúng với nội dung hợp đồng PPP đã được ký kết.

Hiện nay, cách tiếp cận của dự thảo về hợp đồng PPP chỉ thuần túy về thương mại và chỉ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng PPP là Nhà nước và nhà đầu tư. Dự luật chưa đề cập đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ công và bên cung cấp dịch vụ công theo PPP; cũng như trách nhiệm công khai, minh bạch nội dung hợp đồng của nhà đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án.

Điều 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh là hoạt động đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư với đối tượng áp dụng là các bên trong hợp đồng và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư PPP. Theo Điều 4, khoản 6 và khoản 8, Nhà đầu tư là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, tham gia đầu tư. Nhà đầu tư trong nước là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam và như vậy, đối tượng áp dụng trong dự thảo mở rộng sang cả doanh nghiệp nhà nước (100% vốn Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014).

ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Theo Luật Đấu thầu 2013 (Điều 6) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP (Điều 2), nhà đầu tư dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu (không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau). Để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đáng lẽ Nhà nước phải đầu tư, cung cấp dịch vụ công, đúng với mục đích đầu tư theo phương thức PPP, thì theo tôi, không nên mở rộng đối tượng áp dụng sang cả DNNN (sở hữu 100% vốn Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014).

Do tính chất phức tạp và dài hạn của mô hình đầu tư theo phương thức PPP, nên bên cạnh Luật PPP còn có nhiều luật khác cùng điều chỉnh như: dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu... Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc - quốc gia được đánh giá là thành công trong triển khai PPP, dự thảo tại khoản 2 Điều 3 đã quy định về mối quan hệ giữa dự luật này với các luật khác và một số ưu tiên trong áp dụng.

Tuy nhiên, theo tôi, cần cân nhắc lại một số khía cạnh của quy định này, vì về bản chất, hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Những quy định trực tiếp trong hợp đồng PPP sẽ ràng buộc trực tiếp nghĩa vụ của tất cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư. Bởi thế, trong điều, khoản này của Luật chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù của PPP được ưu tiên áp dụng như: trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP, cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Các vấn đề như luật áp dụng (đã được quy định tại Điều 50 dự thảo) và bảo đảm đầu tư cần phải tuân thủ chung theo Luật Đầu tư. Những biện pháp bảo đảm đầu tư cụ thể thì quy định trực tiếp trong hợp đồng PPP.

Theo Điều 39 dự thảo Luật, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có mục đích duy nhất để thực hiện dự án theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty CP (khoản 1). Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng không được phát hành cổ phiếu (khoản 2). Theo tôi, cần cân nhắc lại quy định này vì về nguyên tắc, doanh nghiệp dự án có quyền mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký, như nhận chuyển nhượng dự án PPP cùng loại của doanh nghiệp khác. Mặt khác, khi pháp luật thừa nhận doanh nghiệp có mục đích duy nhất để thực hiện dự án theo mô hình Công ty CP mà không có quyền phát hành cổ phiếu là trái với nguyên tắc hình thành cấu trúc vốn của Công ty CP. Không phát hành cổ phiếu lần đầu không hình thành vốn điều lệ của Công ty CP. Có chăng, dự thảo Luật chỉ có thể ngăn cấm việc phát hành cổ phiếu mới để bổ sung vốn điều lệ của Công ty.

Theo Điều 42, khoản 8 dự thảo Luật, nội dung cơ bản của Hợp đồng phải có “Phương án xử lý trong trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự” (điều khoản Hardship). Tuy nhiên, Điều 45, khoản 1a quy định việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng PPP được xem xét trong trường hợp: ”Dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sự kiện bất khả kháng”. Việc sử dụng cả hai điều khoản nêu trên trong cùng một văn bản hợp đồng là chưa hợp lý, có khả năng xung đột trong việc thực hiện nghĩa vụ. Vì rằng, điều khoản “trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự” có mục đích để cho các bên cân bằng lại lợi ích trong hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi theo Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015; nếu các bên không thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng. Điều khoản “Bất khả kháng” lại có mục tiêu giải phóng nghĩa vụ cho một bên của hợp đồng khi các sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Điều 156, khoản 1, Bộ luật Dân sự 2015). Đây là quy định quan trọng cần có hướng dẫn thi hành cụ thể để loại trừ khả năng xung đột khi áp dụng pháp luật.

Lê Anh Tuấn
ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Nguyễn Vũ ghi