Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 06:55 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng qua, việc có nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số ý kiến cho rằng, nên có luật riêng thay vì đưa vào dự thảo Luật lần này.

Tổng kết thực tiễn trước khi ban hành luật riêng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, về bản chất, lâu nay hộ kinh doanh đã có quy định trong Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật lần này đã nâng lên, luật hóa nhiều nội dung hơn và thành lập một chương riêng về hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung từ “hộ kinh doanh” vào nội dung của Điều 3 và viết lại là: "Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thì áp dụng quy định của luật đó" để bảo đảm phù hợp với các quy định khác về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.


Ảnh: Quang Khánh

Về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật hay không, đa số ý kiến thống nhất là cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh, song nhiều ý kiến đề nghị đối tượng hộ kinh doanh nên có một luật điều chỉnh riêng và không nên quy định tại Luật này. Cũng có một số ý kiến đề nghị nên quy định ngay thành một chương trong dự án Luật này. Đoàn Chủ tịch thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, cho nên sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các ĐBQH thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến này.
Về thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp, nhiều ý kiến tán thành với việc duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành để bảo đảm việc kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò chính danh của doanh nghiệp. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định việc thông báo về con dấu, mẫu dấu mà có thể giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định. Vì còn ý kiến khác nhau, Đoàn Chủ tịch đề nghị sẽ xin phiếu ý kiến với các ĐBQH thông qua cổng thông tin điện tử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) lý giải, tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự của hộ kinh doanh đã bị bãi bỏ tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Đó là quyết định hoàn toàn chính xác, vì tham gia vào các hoạt động dân sự, kinh doanh chỉ có 2 chủ thể, một là pháp nhân, hai là cá nhân, "không có chung chiêng ở giữa”. Tuy vậy, với Bộ luật Dân sự này, hiện các cá nhân trong hộ kinh doanh chỉ có thể tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua vai trò đại diện và các hộ không có tư cách pháp nhân. Nếu tiếp tục duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý.

Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, nếu xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh sẽ phải mất 2 - 3 năm nữa. Điều này đồng nghĩa hàng triệu hộ kinh doanh sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ cũng như điều chỉnh hoạt động của họ. Do đó, cần cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các ý kiến trên không nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu. Hầu hết đại biểu tham gia ý kiến cho rằng, vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Mặt khác, hộ kinh doanh hiện nay hầu hết là bán buôn nhỏ lẻ. Do đó, không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững.

Nhấn mạnh luật về kinh doanh phải giải quyết đồng thời hai mục đích: Quản lý nhà nước về kinh doanh và tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh, song theo ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng), những quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dường như chưa đánh giá hết tác động đối với đối tượng chịu ảnh hưởng là các hộ kinh doanh. Do đó, cần thiết từng bước luật hóa hộ kinh doanh nhưng chưa phải là bây giờ, nên chăng cần tổng kết thực tiễn để ban hành luật riêng về hộ kinh doanh.

Cân nhắc việc liên tục thay đổi khái niệm

Theo dự thảo Luật, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy vậy, nhiều đại biểu cho rằng, quy định này là chưa phù hợp.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo lần này cần cân nhắc vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng. Quy định như dự thảo là Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết “chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng”, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nói. Vì vậy, cần nghiên cứu xác định tỷ lệ này cũng như đánh giá kỹ tác động.

Cho rằng khái niệm DNNN trong dự thảo Luật đang quay trở lại Luật Doanh nghiệp năm 2005, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhấn mạnh “nên cân nhắc việc liên tục thay đổi khái niệm DNNN”. Bởi lẽ, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của văn bản luật, gây ra tâm lý băn khoăn về quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Ngoài ra, nội hàm khái niệm DNNN thay đổi sẽ tác động đến quá trình cổ phần hóa, không làm giảm số lượng DNNN, chủ trương thu hút các thành phần kinh tế khối tư nhân đầu tư phát triển kinh tế.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) kiến nghị, trong những lần sửa đổi luật trước đây đã có bước tiến lớn trong việc xóa bỏ sự phân biệt giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Do vậy, dự thảo Luật lần này cần tiếp tục xóa bỏ triệt để hơn nữa sự phân biệt này để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng. “Nên bỏ hẳn các quy định về DNNN ra khỏi Luật này, không nên có một chương riêng, vì như vậy sẽ tạo tiền đề bất bình đẳng. Thay vào đó, nên quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, ĐB Trần Văn Lâm kiến nghị.

Không đồng tình với quy định về tỷ lệ trên 50% như dự thảo, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) chỉ rõ, đã là DNNN thì không phải chỉ có cổ phần chi phối mà cổ phần chi phối đó phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp (gồm đầu tư, mua, bán tài sản, thay đổi điều lệ, thay đổi đăng ký kinh doanh…). Bởi vậy, cần nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 65% mới được coi là DNNN và không mâu thuẫn với Nghị quyết của Trung ương về DNNN.

Vũ Thủy