Bạn đọc viết

Không nên cứng nhắc

- Thứ Ba, 25/07/2017, 08:31 - Chia sẻ
Thời gian qua, việc xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính giấy tờ xe không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tổ chức mà còn liên đới đến các hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, tín dụng, quản lý trật tự đô thị.

Ở góc độ xây dựng pháp luật có thể thấy, đây là vấn đề được quy định tại nhiều văn bản khác nhau gây nên tình trạng chồng chéo, không thống nhất. Điều đáng nói là vì sự không thống nhất này lỗi thuộc về các cơ quan quản lý, nhưng sự thiệt thòi lại thuộc về người dân - những chủ phương tiện đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Theo quy định của pháp luật thì khi tài sản thế chấp là phương tiện thì bên nhận thế chấp được giữ bản chính giấy tờ đăng ký của tài sản. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc nhận thế chấp an toàn, tránh phát sinh nợ xấu, rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Trong mối quan hệ này, quyền của cá nhân, tổ chức nhận thế chấp được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo giấy đăng ký xe, nhưng không ghi rõ là bản chính hay bản pho to. Điều đáng lưu ý, pháp luật về chứng thực có quy định: Bản sao có giá trị sử dụng thay cho bản chính và các văn bản liên quan nêu trên đều có một quy định “quét” là “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo thống kê của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp tại ngân hàng. Như vậy, nếu chiếu theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì 1,3 triệu phương tiện trên đều bị xử phạt hành chính khi lưu thông vì không có bản chính giấy đăng ký xe.

Liên quan đến vấn đề này, ngành ngân hàng đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, đến nay tất cả đều phải chờ. Trước hết là chờ sự thống nhất liên ngành (Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an…), sau đó có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giải quyết. Bởi, tuy chỉ là một phần rất nhỏ trong hoạt động (thế chấp, tham gia giao thông…) nhưng lại liên quan đến rất nhiều văn bản. Chính vì thế, mặc dù đã thấy được sự chưa đồng bộ, chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan, nhưng không thể sửa đổi, bổ sung trong một sớm một chiều.

Nhìn từ góc độ thực tiễn áp dụng pháp luật có thể thấy, các cơ quan liên quan đã có sự cứng nhắc nhất định. Việc vận dụng pháp luật mới chỉ dừng lại ở khía cạnh quản lý chuyên ngành, thuận tiện cho việc quản lý. Bởi, pháp luật về chứng thực có quy định, bản chính cũng có giá trị như bản sao. Ấy thế nhưng để “chắc ăn”, ngành nào cũng muốn giữ bản chính. Ngành công an cũng vậy, dù bản sao có giá trị như bản chính, nhưng vẫn yêu cầu người dân phải có bản chính. Do vậy, vấn đề ở đây chính là cách áp dụng pháp luật chưa thống nhất và hơn nữa là chỉ để “phục vụ” nhu cầu quản lý của các bộ, ngành.

Khang Bình