Nâng cao chất lượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND

Không né tránh, không ngại va chạm

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:43 - Chia sẻ
Bên cạnh ban hành quy trình tổ chức các phiên giải trình, để nắm rõ vấn đề, có đủ căn cứ, các Ban HĐND được phân công tham mưu Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn các đối tượng khảo sát, phối hợp xây dựng video clip, thực hiện phóng sự và trình chiếu tại phiên giải trình… Hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình vì vậy bước đầu đã nền nếp, mang lại những hiệu quả rõ nét. Có nội dung sau giải trình được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Tiếp thu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay

Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh là hoạt động mới được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Căn cứ quy định của pháp luật, qua thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ban hành Quy trình chuẩn bị, tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Đây được coi như là quy trình mẫu để tổ chức thực hiện bài bản các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.

Trong chương trình công tác hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban tham mưu chuẩn bị nội dung, tổ chức phiên giải trình (theo lĩnh vực). Trên cơ sở đó, các Ban của HĐND tỉnh nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng vấn đề yêu cầu giải trình. Để nắm rõ vấn đề, có đủ căn cứ, các Ban tham mưu Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn các đối tượng để khảo sát. Quá trình khảo sát, có sự phối hợp chặt chẽ với Đài PT-TH tỉnh xây dựng video clip, thực hiện phóng sự và trình chiếu tại phiên giải trình.

Qua các phiên giải trình cho thấy, nhìn chung Thủ trưởng các cơ quan chức năng cơ bản trả lời trực tiếp những các nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của ngành mình; đồng thời, đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới. Sau giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung đã cam kết, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của đơn vị mình. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kiến nghị sau giải trình.

Có thể nói, mặc dù thực hiện quy định mới, song hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình bước đầu đã nền nếp, bài bản, mang lại những kết quả rõ nét. Có nội dung sau giải trình (một số nội dung về chính sách đối với người có công) được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, tạo niềm tin đối với cử tri và Nhân dân. Qua đó, hoạt động giải trình đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, thúc đẩy tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ.


Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên giải trình về công tác Thi hành án liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Tính đối thoại, truy đến cùng còn hạn chế

Mặc dù mang lại hiệu quả thiết thực nhưng hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh chưa tổ chức được nhiều phiên giải trình; việc đặt câu hỏi yêu cầu giải trình mới tập trung ở một số ít đại biểu, chủ yếu là các đại biểu chuyên trách, đại biểu công tác ở Mặt trận và đoàn thể. Có đại biểu chỉ hỏi ở mức độ chung chung, rất ít đại biểu truy đến cùng vấn đề mình quan tâm. Một số đối tượng giải trình không trả lời thẳng vào nội dung, trả lời còn chung chung, không thể hiện trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chưa nêu biện pháp, thời gian khắc phục. Có trường hợp giải trình nhanh chóng nhận trách nhiệm ngay trên diễn đàn, sau đó đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho địa phương, cho cấp dưới hoặc đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế chính sách. Có trường hợp lại tranh thủ diễn đàn báo cáo thành tích, diễn giải dài dòng, gây khó hiểu để hết thời gian trả lời. Tính đối thoại, truy đến cùng vấn đề tuy đã được thể hiện song nhìn chung còn hạn chế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh chưa thường xuyên tham gia các hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh để có những định hướng, phân giao cụ thể nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thực hiện những kiến nghị sau giải trình.

Những hạn chế trên có nguyên nhân chủ quan do một số đại biểu chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm người đại diện của mình cũng như về vai trò, tác dụng của hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Hầu hết các đại biểu kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của đại biểu không nhiều. Điều kiện thu thập và phân tích thông tin của một số đại biểu còn hạn chế. Bộ máy tham mưu, giúp việc là Văn phòng HĐND tỉnh còn mỏng về số lượng…

Tổ chức khảo sát để nắm rõ các vấn đề liên quan

Từ thực tế hoạt động, để nâng cao hiệu quả các phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình xác định nhân lực là yếu tố then chốt. Theo đó, đại biểu, Tổ đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm trong phân tích, chọn lọc những nội dung cần chất vấn, yêu cầu giải trình gửi Thường trực HĐND tỉnh, yêu cầu người đứng đầu cơ quan liên quan trả lời, làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Thực hiện nội dung này, đòi hỏi đại biểu HĐND có trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ, không né tránh, ngại va chạm, gần dân, sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; nghiên cứu quy định của pháp luật, nắm bắt vấn đề đầy đủ, chính xác để yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành làm rõ đến cùng.

Các Ban của HĐND tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giải trình, nhất là việc lựa chọn chủ đề phải sát, trúng. Bên cạnh đó, Ban tham mưu cần tổ chức khảo sát để nắm rõ các vấn đề liên quan tới chủ đề giải trình. Sau giải trình, Ban chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận giải trình, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.

Quá trình điều hành, Chủ tọa phải tạo không khí dân chủ, cởi mở để đại biểu đặt câu hỏi yêu cầu giải trình trực tiếp tại hội trường; phải làm cho người giải trình không có tâm lý bị truy vấn mà là trao đổi để làm rõ vấn đề, rõ trách nhiệm, giải pháp để tạo không khí dân chủ, cầu thị trong các phiên chất vấn, giải trình. Kết luận phiên giải trình rõ ràng, có đánh giá, nhận xét khái quát những nội dung đạt và chưa đạt được và những vấn đề cần rút kinh nghiệm; xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết vấn đề. Đặc biệt, cần chỉ đạo theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các cam kết chất vấn, kết luận giải trình.

Bên cạnh đó, để tăng cường tính công khai, dân chủ trong hoạt động của HĐND, các phiên giải trình cần được phát thanh, truyền hình trực tiếp, tạo điều kiện nhân dân và cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời, góp phần tăng cường ý thức và trách nhiệm của đại biểu, của các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết những vấn đề đặt ra.

TRẦN MINH