Không mở rộng các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch

- Thứ Tư, 22/07/2020, 14:14 - Chia sẻ
Thời gian tới, ngành thành tra cần xây dựng nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để chồng chéo với kiểm toán, không được gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nội dung thanh tra cần tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên khoáng sản... Từ nay đến cuối năm không mở rộng các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Thanh tra, sáng 22.7.

Xử lý 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.245 cuộc thanh tra hành chính và 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.149 tỷ đồng, 3.432 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.752 tỷ đồng và 507 ha đất (đã thu hồi 3.699 tỷ đồng, 83 ha đất); kiến nghị xử lý hành chính đối với 805 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.225 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 26 vụ, 23 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng“, báo cáo nêu rõ. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đã phát hiện 138 vụ việc vi phạm, 124 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 18 tỷ đồng. Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 1.734 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 19 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp;

Thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ cao

Xác định rõ, chuyển  đổi vị trí công tác là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng xảy ra, do đó, trong 6 tháng qua, toàn ngành đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của 2.671 cán bộ, công chức, viên chức; xử lý 4 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một trong những tồn tại, hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm là tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, có rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Dự thảo báo cáo tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (1.2.2013), toàn ngành Thanh tra đã tiến hành thanh tra 12.973 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 1.254 vụ vi phạm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Kiến nghị xử lý kỷ luật 529 người và kiến nghị xử lý hình sự 20 người vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thu hồi được 64,7 tỷ đồng do vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ cao như cuộc thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã kiến nghị thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo cần “có tình, có lý”

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thanh tra Chính phủ vẫn linh hoạt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành hoạt động thanh tra theo phương thức mới, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Các kết quả trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, chỉnh đốn Đảng, ổn định tình hình chính trị, an ninh an toàn xã hội, nhất là dịp lễ, Tết, đại hội Đảng các cấp, giữ vững ổn định xã hội” - Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại trong hoạt động thanh tra, đó là nhiều cuộc thanh tra còn chậm. Một số cuộc còn kéo dài thời gian kết luận thanh tra, một số kết luận thanh tra chất lượng chưa cao, một số kiến nghị chưa có tính thực tế…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác thanh tra, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, trong xây dựng kế hoạch thanh tra ngành cần xây dựng nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để chồng chéo với kiểm toán, không được gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nội dung thanh tra cần tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên khoáng sản...

“Từ nay đến cuối năm không mở rộng các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch.”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều việc khó lường, nhất là về tranh chấp đất đai. Tỷ lệ giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền giảm 1,6% so với 2019, còn những vụ việc chưa được giải quyết được dứt điểm, kéo dài, cần rà soát để tập trung giải quyết. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu, thanh tra các địa phương phải tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, khi cần thì xin ý kiến Thanh tra Chính phủ, đảm bảo ổn định tình hình, nhất là trong giai đoạn đang Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Lưu ý trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải giải quyết thấu đáo, đưa ra ví dụ về tình hình giải phóng mặt bằng cho các dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, không phải cứ di dời, bồi thường là được, mà còn nhiều vấn đề về tình cảm, đời sống nên dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần lưu ý, giải quyết “có tình, có lý”, làm cho “dân thông, dân hiểu” mới giải quyết thỏa đáng được vụ việc. Ngành Thanh tra cần khắc phục những hạn chế trong công tác tiếp công dân, không để nguy cơ hình thành những “điểm nóng”, gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Để hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác, trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục triển khai các quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng, các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, dự báo tình hình để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Đặc biệt phải đảm bảo ngành Thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, không để bị tố cáo vòi vĩnh, hối lộ như vụ việc của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị xử lý, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Thanh tra phải “là tai mắt của trên, là bạn của dưới”, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng vừa chuyên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Song Hà