Không kịp

- Thứ Tư, 06/11/2019, 07:42 - Chia sẻ
Bà chỉ sinh được hai người con, một trai, một gái và góa chồng từ khi chúng còn nhỏ. Từ đó, bà ở vậy nuôi con, không tái giá.

Lớn lên, người chị làm cô giáo tiểu học ở quê, rồi do sức khỏe yếu, phải thôi dạy, về nghỉ mất sức, sống dựa vào chồng, chăn nuôi gà vịt, trồng rau, quả. Người em trai may mắn hơn, đỗ đại học, ra trường làm việc mấy năm ở Thủ đô đã được thăng quan tiến chức. Đến nay, hơn 40 tuổi đã làm giám đốc một tổng công ty lớn của Nhà nước.

Do quá bận, lại luôn phải đi công tác xa, nên mỗi năm người con trai chỉ có thể ghé về quê thăm mẹ một lần vào dịp trước Tết nguyên đán, và cũng chỉ được vài giờ, chủ yếu để biếu quà theo phong tục tập quán của người Việt Nam.

Từ khi cô con gái về nhà chồng, bà mẹ vò võ sống một mình. Lúc chưa sinh con, cô thường xuyên về thăm mẹ, nhưng từ khi có con, sự thăm viếng thưa vắng hơn trước. Nhà chồng cách nhà mẹ đẻ chỉ dăm cây số, nhưng lại cách sông, nên nếu đi cầu phải vòng xa, mà muốn gần phải đi đò, cũng mất nhiều thời gian. Bà bảo con gái là thỉnh thoảng sẽ sang thăm cháu, không cần về, nếu có làm sao đã có hàng xóm tối lửa tắt đèn. Láng giềng ai cũng quý bà nên sẵn sàng lui tới, quan tâm.

Người con trai ở thủ đô nhiều lần có ý muốn đón mẹ ra ở hẳn với anh. Nhưng bà không nghe vì thấy không quen, lại không muốn xa lìa quê cha đất tổ - nơi chồng bà đã yên nghỉ. Tuy ở quê chỉ một mình nhưng bà còn có bà con hàng xóm. Ở Hà Nội, ngôi nhà 3 tầng với 6 - 7 phòng của con trai bà hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Vợ chồng người con thì đi làm cả ngày, đứa cháu nội cũng học bán trú. Bữa trưa nào cũng chỉ có một mình bà ăn cơm. Tiếng là ở với con trai nhưng bà thấy cô đơn. Đó là những lần bà ra chơi vài ngày còn thế, nếu ở hẳn thì sao?

Người con trai sắm điện thoại cho mẹ nhưng chỉ bà cháu liên hệ với nhau. Vợ chồng anh do quá bận mải cũng không thể gọi được về nhiều cho bà. Thậm chí, họ như quên khuấy mẹ mình đã có điện thoại. Thỉnh thoảng, anh có gửi tiền về biếu mẹ. Cầm tiền, bà không biết tiêu gì, bèn đưa cho con gái.

Một lần, vào dịp hè, đang cùng vợ con nghỉ mát ở Vũng Tàu, người con trai nhận được tin mẹ ốm rất nặng, đang cấp cứu ở bệnh viện huyện. Anh tức tốc về quê, nhưng bà mẹ đã trút hơi thở cuối cùng. Thế là không kịp! Anh đã không có mặt ở bên mẹ phút bà lâm chung.

***

 Những hoàn cảnh như bà mẹ và người con trai trong câu chuyện trên không hiếm ở xã hội hiện nay. Công to việc lớn, vai trò quan trọng ở cơ quan đến đâu chăng nữa mà bỏ bê mẹ già ở quê là điều không thể chấp nhận. Các cụ đâu cần tiền bạc mà là tình cảm. Người con trai vô tâm đã “không kịp” nhìn thấy mẹ trước lúc bà lìa bỏ cõi đời. Người như anh có lẽ sẽ còn “không kịp” nhiều thứ nữa.

TS. Nguyễn Đình San