Quốc hội họp trực tuyến

Không khí tranh luận không khác gì họp tập trung

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:01 - Chia sẻ
Đó là cảm nhận của đại biểu Quốc hội BÙI VĂN XUYỀN (Thái Bình) về tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV theo hình thức trực tuyến. Đại biểu cũng cho rằng, các phiên họp trực tuyến của Quốc hội đạt kết quả tốt, thậm chí còn thuận lợi hơn so với họp tập trung. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, với những dự án luật có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau thì các phiên họp trực tuyến của Quốc hội nên tăng thêm thời lượng để Quốc hội thảo luận, tranh luận vì họp trực tuyến, các đại biểu không chịu áp lực về thời gian.

Hiệu quả cao

- Quốc hội vừa hoàn thành tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín theo hình thức họp trực tuyến. Cảm nhận của ông về kết quả của tuần làm việc vừa qua thế nào?

- Kỳ họp này là một kỳ họp đặc biệt vì lần đầu tiên Quốc hội tiến hành cách thức họp trực tuyến. Qua tuần làm việc đầu tiên, có thể thấy kết quả họp trực tuyến rất tốt. Các phiên họp diễn ra trong không khí dân chủ, nghiêm túc không khác so với hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Các phương tiện phục vụ cho họp trực tuyến đã bảo đảm cho phiên họp diễn ra trôi chảy, không có vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật. Mọi lịch trình, điều kiện phục vụ cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia họp, phát biểu, tranh luận tại hội trường và 63 đầu cầu đều diễn ra thông suốt. Không chỉ riêng tôi mà các ĐBQH xung quanh tôi đều có cảm nhận chung như vậy.

- Ông đánh giá thế nào về không khí thảo luận và tranh luận tại các phiên họp trực tuyến?

- Vì tiến hành họp theo hình thức trực tuyến nên hầu như các ĐBQH không phải di chuyển nhiều mà có thể tham gia họp Quốc hội ở ngay tại địa phương. Họp trực tuyến cũng có nhiều điểm thuận lợi hơn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị các điều kiện để tham gia phát biểu, góp ý kiến vào các dự án luật, nghị quyết. Thế nên, theo dõi các phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội trong tuần qua, chúng ta thấy rất nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu, tranh luận. Hầu hết phiên họp còn không đủ thời gian cho các đại biểu đã đăng ký được phát biểu.

Đáng lưu ý hơn, không khí tranh luận tại các phiên thảo luận trực tuyến cũng rất thẳng thắn, dân chủ. Chủ tọa điều hành phiên thảo luận cũng rất linh hoạt, bảo đảm lần lượt các đại biểu đăng ký tranh luận đều có cơ hội tranh luận hoặc trao đổi lại. Thậm chí có những đại biểu phát biểu, tranh luận đến hai lần.

Qua đó để khẳng định lại rằng, hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu. Nếu theo hình thức họp tập trung ở hội trường thì những cán bộ này không thể tham gia các phiên họp của Quốc hội được, thế nhưng họp trực tuyến thì họ có điều kiện để tham gia, giúp đem lại rất nhiều lợi ích trong hoạt động nghị trường. Đây là những điểm mới mà hình thức họp trực tuyến mang lại cho Kỳ họp thứ Chín.

Phát huy ưu thế của công nghệ phục vụ kỳ họp

- Việc cung cấp tài liệu cho ĐBQH trong tuần đầu họp trực tuyến như thế nào, thưa ông?

- Chất lượng của kỳ họp trước hết nằm ở chất lượng nghiên cứu các tài liệu của ĐBQH cũng như quá trình nghiên cứu hồ sơ tài liệu các dự án, dự thảo và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, tài liệu tham khảo của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội... Văn bản, tài liệu đưa đến tay ĐBQH càng sớm thì càng bảo đảm thời gian nghiên cứu, đối chiếu, so sánh để có ý kiến đóng góp đúng, trúng vấn đề. Hiện nay, việc cung cấp tài liệu cho đại biểu được thực hiện qua internet, mặc dù các tài liệu chưa gửi hết đến các đại biểu, nhưng điểm thuận lợi là phần mềm cung cấp tài liệu cho đại biểu có thể cung cấp rất nhiều tài liệu, trong khi nếu in ra thì sẽ có nhiều tài liệu không thể đến được với ĐBQH. Nhờ đó, các đại biểu cũng có thời gian và nhiều nguồn tài liệu hơn để nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội. Có thể nói, qua tuần đầu họp trực tuyến tôi thấy chất lượng ý kiến đóng góp của đại biểu được nâng lên nhiều.

Bên cạnh đó, với những dự án luật có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau thì các phiên họp trực tuyến của Quốc hội nên tăng thêm thời lượng để Quốc hội thảo luận, tranh luận. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể chủ động được trong việc tăng thêm thời gian cho thảo luận, tranh luận bảo đảm chất lượng của kỳ họp. Cách làm như vậy chắc chắn sẽ tốt hơn vì họp trực tuyến chúng ta cũng ít chịu áp lực về thời gian hơn là hợp tập trung.

- Một trong những tồn tại của những kỳ họp trước là việc cung cấp tài liệu cho ĐBQH chưa kịp thời. Hạn chế này qua tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín đã được khắc phục chưa, thưa ông?

- Thẳng thắn mà nói thì thời gian cung cấp tài liệu cho ĐBQH nghiên cứu tại kỳ họp này vẫn chưa được khắc phục nhiều so với những kỳ họp trước, một phần là do quy trình làm luật của chúng ta. Trong thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều ĐBQH cũng đã nêu lên vấn đề này. Mặc dù vậy, việc chuyển tải tài liệu qua phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của Quốc hội đã giúp cho việc cung cấp tài liệu cho ĐBQH nhanh hơn, đầy đủ hơn vì tài liệu có đến đâu là được gửi ngay cho ĐBQH. Phần mềm của Quốc hội cũng rất thuận tiện cho ĐBQH trong việc tra cứu các văn bản trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, cần phát huy ưu thế của ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An