Trung Quốc dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam

Không hoàn toàn do thương chiến Mỹ - Trung?

- Thứ Ba, 30/07/2019, 07:33 - Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 1,78 tỷ USD, chiếm hơn 21% tổng vốn cấp mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn chưa đủ cơ sở để cho rằng đây là do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vốn FDI từ Trung Quốc đạt 1,78 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20.7, Việt Nam thu hút 2.064 dự án FDI cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,4 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng qua đạt 11,7 tỷ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ. Vốn FDI đổ nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với khoảng 6 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%.

Đáng chú ý, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc hiện dẫn đầu với 1,78 tỷ USD; tiếp đến là Hàn Quốc 1,47 tỷ USD; Nhật Bản 1,1 tỷ USD.


Nên giao một đầu mối cấp C/O để tránh tình trạng doanh nghiệp FDI trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ 
Nguồn: ITN

Chưa đủ cơ sở khẳng định do tác động thương chiến?

Hôm nay, theo dự kiến, hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại tại Thượng Hải và kết thúc vào ngày mai. Nhìn nhận triển vọng cuộc chiến thương mại này, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia Trần Toàn Thắng cho rằng “rất khó đoán định”. Bởi đây không phải câu chuyện lợi ích ngắn hạn mà là lợi ích dài hạn và liên quan đến cá tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Hết năm nay, cuộc chiến này cũng khó kết thúc”.

Theo Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) Trần Toàn Thắng, mặc dù truyền thông có nhiều thông tin nói về sự dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, song “trong vòng 1 năm (kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu - PV), rất khó để nói xu hướng dịch chuyển này là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc”. Theo ông Thắng, cần có thời gian nhất định vì cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đang tiếp tục (hôm nay 30.7, phái đoàn hai bên sẽ gặp gỡ tại Thượng Hải để nối lại đàm phán).

Cũng theo chuyên gia của NCIF, quyết định dịch chuyển của nhà đầu tư rất quan trọng. “Nếu chưa có triển vọng rõ ràng rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục hay dừng lại mà đã quyết định dịch chuyển thì chưa chắc đã là khôn ngoan. Thực tế, đầu tư vào Trung Quốc năm 2018 vẫn đạt trên 100 tỷ USD, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn nhận đây là thị trường lớn”, ông Thắng nói.

Thêm nữa, từ năm 2014, khi cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh không chỉ về số vốn mà cả cơ cấu đầu tư, nhất là cơ cấu cung cấp đầu vào (trong đó có ngành dệt, nhuộm…). Ông Thắng nhìn nhận, đến nay, “cơ cấu dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam thay đổi theo hướng tận dụng sự kém phát triển của các ngành cung cấp đầu vào của Việt Nam”, đặc biệt trong bối cảnh CPTPP và EVFTA vừa được ký kết có yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

“Nếu nói dịch chuyển FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tránh thuế Mỹ áp lên hàng Trung Quốc thì cần xem xét danh mục đầu tư như thế nào. Nếu dịch chuyển ngành lắp ráp là trọng điểm thì cần theo dõi, bởi đây là động thái tránh thuế”, chuyên gia NCIF khuyến cáo.

Cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” bởi không tự nhiên nhà đầu tư rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì quy mô quá lớn, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh “vấn đề là Việt Nam có tận dụng được điều này hay không?”. Tuy vậy, ông Thành cũng cho rằng, việc dịch chuyển FDI không nên bỏ qua hai yếu tố. Một là, chính sách của Trung Quốc yêu cầu chuyển dịch công nghệ lạc hậu ra khỏi đất nước. Hai là, chính sách môi trường của nước này rất khắt khe, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ phải đóng cửa, nên họ chọn cách rời sang nước khác.

Nên giao một đầu mối cấp C/O

Liên quan việc có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam để lẩn tránh thương mại, trốn thuế, khiến hàng hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng và bị Mỹ trừng phạt không, Trưởng ban Kinh tế quốc tế của NCIF cho rằng khó có khả năng này xảy ra.

Mặt khác, vị chuyên gia này thừa nhận, dù chưa có con số chính thức song có thông tin cho rằng một số doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã tháo sản phẩm, biến thành linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam để lắp ráp trở lại rồi xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một hình thức trốn thuế. Để khắc phục tình trạng này, ông Thắng cho rằng cần chấn chỉnh công tác cấp chứng nhận xuất xứ C/O. Hiện, cả Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều được cấp C/O. Song, nên đưa về một đầu mối là Bộ Công thương để bảo đảm thống nhất trong quản lý. “Cách tốt nhất là để doanh nghiệp kiểm soát lẫn nhau”, ông Thắng nhấn mạnh, bởi nếu hệ thống hành chính kém hiệu quả sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng để trốn thuế.

Đan Thanh