Không giải trí đơn thuần

- Thứ Tư, 08/09/2010, 00:00 - Chia sẻ
Cùng với Gabriel Garcia Marquez (Mexico), tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa (Peru) được coi là bậc đại thụ của văn học Mỹ Latinh.

Sinh năm 1936, là tác giả của những tiểu thuyết Dì Julia và nhà văn quèn, Thời của anh hùng, Ngôi nhà xanh, Cuộc chiến tranh nơi tận cùng thế giới, Đời thực của Alejandro Mayta… nhiều kịch bản, phê bình văn học, phần lớn về đề tài lịch sử - chính trị, Mario Vargas Llosa  có niềm tin vững chắc vào quyền lực của văn chương trong việc phơi bày bất công và bạo quyền độc tài trong khi đấu tranh bảo vệ quyền tự do cá nhân. Sự nghiệp của Mario Vargas Llosa được đánh giá là một trong 20 đóng góp lớn cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại. 

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa nữ ký giả Nga, Natalia Kochetkova và nhà văn Mario Vargas Llosa.

- Ông là người luôn luôn giữ quan niệm nhà văn cần phải gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, thậm chí năm 1990 còn ra tranh cử tổng thống Peru. Đến bây giờ, liệu ông có còn tin là nhà văn vẫn cần dấn thân vào những cuộc đấu tranh chính trị?

 - (Cười) Nà, trước hết thì tôi vẫn là nhà văn chứ không phải nhà chính trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên tôi vẫn quan niệm rằng nhà văn có trách nhiệm, có bổn phận đạo lý tham gia các cuộc tranh luận trong xã hội, đặc biệt là ở những nước mà mọi chuyện chưa phải đã êm dằm, mà đấy (cười) lại là phần lớn của cả thế giới. Tôi nghĩ là nhà văn ở một mức độ nào đó chỉ chứng tỏ được mình bằng việc tham gia đời sống chính trị - xã hội, bằng cách nêu chính kiến của mình, phê phán những gì cần phải phê phán. Và sau đó, nếu như đụng phải ngôn ngữ chính trị, ta sẽ thấy nó gồm toàn những thứ cứng nhắc. Và đây là điều quan trọng – phải bảo toàn sự tươi mới và độc đáo của ngôn ngữ. Chính chỗ này, nhà văn có thể đóng góp. Nhưng, xin nhắc lại, tôi không phải nhà chính trị. Sự tham gia đời sống chính trị Peru của tôi là trường hợp ngoại lệ. Đó là cái thời nền dân chủ đang bị lâm nguy, vì thế tôi mới bước chân vào chính trường. Phải vào, để bảo vệ nền dân chủ, và trong việc đó, tôi vẫn coi mình là nhà văn.

- Thế thì tôi xin hỏi ông một câu: làm một nhà văn mà dấn thân vào chính trị thì sẽ như thế nào?

- Cái đó tùy thuộc vào bản thân nhà văn. Có những người vội vàng lồng ghép lao động văn học với việc tham gia đời sống chính trị, những người khác lại gắng làm thế nào để mình có thể ít xuất hiện trước chỗ đông người – họ cũng rất đáng được tôn trọng. Nhưng mà tôi có cảm giác rằng, trong nhiều trường hợp, ngay cả khi anh chẳng ưa gì chính trị, anh vẫn cứ phải có cách nào đấy thử sức mình trong đó: đưa ra một ý tưởng, tham gia những cuộc tranh luận về những vấn đề quan trọng – chiến tranh, hòa bình, quyền con người, nạn tham nhũng, đời sống văn hóa v.v… Có rất nhiều vấn đề nhà văn có thể phát biểu. Tôi không cho rằng họ cứ phải chúi mũi trong thư viện hoặc lảng tránh những gì giúp họ tự làm nên lịch sử. Trong việc thường xuyên hòa nhập với đời sống xã hội - chính trị cũng tiềm ẩn một nguy cơ nhất định đối với văn chương nghệ thuật – đó là sự thật. Người ta có thể sử dụng văn học làm công cụ tuyên truyền, và điều này là rất tồi tệ. Nhưng mặt khác, tôi cũng thấy rằng, nếu văn học bị hoàn toàn mất liên lạc với những gì đang diễn ra trong đời thực thì nó sẽ trở thành bèo bọt, hời hợt. Những tác phẩm văn học vĩ đại bao giờ cũng khắc họa được những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, những vấn đề chủ yếu của nó và những mong đợi của con người. Với ý nghĩa đó, tôi thấy trên tổng thể, văn chương và nghệ thuật phải được đặt trong mối liên quan mật thiết với thế giới xung quanh, chứ không chỉ là óc tưởng tượng của nhà văn.

- Tức là ông đề xuất rằng tác phẩm văn chương có thể tạo nên sự thay đổi nào đó trong thế giới xung quanh?

- Đúng. Nghệ thuật có một ảnh hưởng to lớn đến đời thực. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ: chúng ta không cách nào, không thể nào đo đếm được sức ảnh hưởng đó. Chúng ta không thể nói rằng, một pho tiểu thuyết tương tự Chiến tranh và hòa bình tạo nên hiệu ứng như thế nào. Cái này không sờ được, không thấy được đâu. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng mình đã có được sự hình dung hoàn chỉnh về con người và thế giới, bởi vì mình đã đọc pho sách vĩ đại đó. Văn chương giúp ta thính nhạy lên rất nhiều đối với tất cả, từ khổ đau đến hạnh phúc. Và với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc mà tin rằng văn chương nghệ thuật có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống. Bất kỳ một chế độ độc đoán nào cũng luôn luôn nhằm làm sao để kiểm soát được văn học và có thái độ thiếu tin tưởng đối với văn học, bởi vì đấy là thứ có thể chứa đựng sự phê phán đối với chính quyền. Đấy là sự thực, không chỉ ở khía cạnh chính trị, mà ở bình diện rộng lớn hơn. Những tác phẩm nghệ thuật tốt bao giờ cũng làm cho con người khó bị điều khiển bởi những phương tiện tuyên truyền và quyền lực. Trong ý nghĩa đó, văn chương nghệ thuật là sự hỗ trợ đắc lực cho tự do, mà tự do lại là mục đích bí ẩn nhất của bất cứ nền nghệ thuật vĩ đại nào. Tất nhiên, về văn chương nghệ thuật, người ta thường nhắc tới trước hết là chức năng hấp dẫn, giải trí, nhưng văn chương nghệ thuật còn làm được nhiều hơn nữa, chứ không giải trí đơn thuần.

- Cuốn tiểu thuyết Thành phố và chó kể về cuộc sống của một trường học quân sự - nơi nhiều bậc cha mẹ gửi gắm những đứa con ở tuổi thiếu niên để làm cho chúng trở thành nam nhi thực thụ - nhưng rồi người ta đã công khai phóng hỏa ngôi trường đó. Cuốn tiểu thuyết này có gây ảnh hưởng đến tình hình Peru hồi đó?

- Tôi đâu có biết cuốn sách đó gây ảnh hưởng những gì. Ít ra thì cuốn sách đã bị đốt, thế là hết (cười). Tôi cho rằng rốt cuộc thì cuốn sách đó cũng đã đạt được mục đích – nhiều bạn đọc đã có thể ngẫm nghĩ về việc kiến tạo một xã hội dân chủ. Tôi viết nó cách đây rất lâu, rất lâu, khi ấy tôi còn quá trẻ (cười). Nó được in vào đầu những năm 1960.

- Ông có thể dẫn ra một ví dụ, khi sự kiện trong đời ông được đưa vào tác phẩm văn chương?

- Tiểu thuyết Cuộc chiến tranh nơi tận cùng thế giới chẳng hạn. Nhiều năm trước tôi đã ngạc nhiên về cuốn sách của tác giả Euclides da Cunha (1866-1909). Đấy không phải tiểu thuyết, mà là công trình nghiên cứu lịch sử xã hội Brazil cuối thế kỷ XIX, về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng vùng Đông Bắc Brazil. Một cuộc khởi nghĩa bí ẩn, vì nó do một phong trào tôn giáo tổ chức. Khi ấy ở Brazil, chế độ phong kiến đã bị lật đổ một cách êm thấm, nền cộng hòa được thiết lập, nhưng tại khu vực đó, mọi chuyện xảy ra chậm mất một năm. Một cha đạo nổi tiếng với bí danh Conselheiro đã truyền cho những người nông dân cách chống lại nền cộng hòa vì đó là công cụ của quỷ dữ, chống lại luật của Chúa và đức tin thực sự. Nông dân và những người nghèo liền tin ngay và đứng lên chống lại nền cộng hòa, mặc dù đó là thành quả của những con người có lý tưởng và có học vấn. Do không hiểu được vì sao những người nghèo nhất nước lại nổi loạn, phái cộng hòa bèn nghĩ ra một luận thuyết – mà khi người trí thức không hiểu được điều gì đó, như vẫn thường thấy trên thế giới, họ bèn nặn ra một luận thuyết mới (cười) – nói rằng kẻ nổi dậy không phải là người nghèo, mà là điền chủ, rồi điều quân đội đến dẹp. Bốn đội quân đã được phái đến đàn áp nông dân. Nhưng những người nông dân không tấc sắt trong tay lại chiến thắng quân đội chuyên nghiệp. Chính Euclides da Cunha đã tham gia cuộc hành quân thứ tư, ông tự vấn: mình đang làm gì? Đây là những người nông dân, còn mình ở trong đội quân của quỷ dữ, và ông quyết tìm ra sự thực, nên đã viết được một cuốn sách kỳ diệu. Khi đọc cuốn sách này, tôi đã kinh ngạc đến mức phải tự viết một cuốn sách về chuyện đó, và tôi bắt đầu tìm đọc tài liệu về sự kiện lịch sử ấy. Tôi viết tiểu thuyết nhưng không kể về cuộc khởi nghĩa hay giới trí thức Brazil, những người đã lóa mắt bởi những luận thuyết mà không biết được chuyện gì xảy ra trên đất nước mình. Mất ba năm, tôi viết xong Cuộc chiến tranh nơi tận cùng thế giới.

- Còn độc giả cuốn Chuyện đời một cô gái bất trị cũng đồ rằng cốt truyện tình yêu trong đó có lẽ là chuyện thật của tác giả, đúng thế không?

- (Cười) Không, toàn hư cấu cả. Tiểu thuyết bao giờ cũng là thứ hợp chất từ ký ức cá nhân, từ những con người ta từng gặp. Sự nhào nặn các chất liệu luôn luôn quan trọng hơn nhiều so với tiểu sử cá nhân, hơn cả ký ức của anh. Tôi chỉ đưa vào cuốn sách những ký ức của mình hồi ở Pháp những năm 1960, ở Đức những năm 1970, bởi vì chính tôi đã từng sống ở đấy. Còn các nhân vật thì hoàn toàn hư cấu.

- Nhưng khi viết những cuốn tiểu thuyết đề tài thời sự, ông nhằm mục đích gì, ví dụ khi viết Chuyện đời một cô gái bất trị, Lời ca tụng người dì ghẻ, Những cuốn sổ tay của ngài Rigoberto, ông nhằm giải quyết những vấn đề gì?

- Đó là sự khảo cứu những thứ có thể tổ chức nên cuộc sống của cá nhân mình để làm cho mình hoàn toàn hạnh phúc. Có thể thế chăng? Đó là những việc mà ngài Rigoberto đã gắng hoàn thành. Bạn thấy đấy, ngài yêu hội họa, văn chương, âm nhạc. Ngài tìm đến một người đàn bà như Lcrecia. Ngài có thể tạo ra cho mình một thiên đường riêng. Và sau đó có thể kiểm chứng xem ngài thu được gì – thiên đường hay địa ngục (cười). Bởi vì những cái đó bao giờ cũng hết sức bất ngờ. Cứ tưởng rằng ngài sẽ tạo lập được một cuộc sống hoàn toàn viên mãn, nhưng lại có gì đó ngài không kiểm soát nổi, thế là bị thay đổi toàn bộ. Tất cả ý tưởng là ở đó.

- Nhắc đến Marquez, bỗng nhiên muốn hỏi ông một câu: người ta đồn rằng hai ông đã ba mươi năm bất hòa vì những quan điểm về cách mạng Cuba, nghe đâu hai ông đã từng ẩu đả trong một lễ ra mắt phim ở Mexico, rồi sau đó vẫn dàn hòa được với nhau. Thật thế không?

- Về chuyện đó, tôi sẽ không nói gì nữa đâu. Nếu như sau này có ai viết tiểu sử tôi và Marquez thì còn có cái để cho người ấy phải nặn óc chứ. Chính vì thế nên cả tôi, cả Marquez đều có bình luận gì về tình huống ấy đâu (cười lớn).

- Với tư cách một nhà văn từng tham gia hoạt động chính trị, ông nghĩ thế nào về các kế hoạch nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế?

- Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới khác – nó đã được toàn cầu hóa, nó không còn biên giới. Điều này sinh một bối cảnh mới. Tôi có cảm giác là chúng ta đã sống trong một thế giới tốt đẹp hơn rất nhiều so với quá khứ, nếu so với những năm 1960-70, hồi có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nguyên tử. Kết quả của công cuộc toàn cầu hóa là những nước nghèo bây giờ có thể phát triển nhanh hơn trước. Cho nên tôi nhìn bối cảnh hiện nay thấy lạc quan hơn là bi quan.

- Nhưng khủng hoảng bây giờ vẫn được gọi là khủng hoảng tư bản chủ nghĩa…

- Ở tư bản chủ nghĩa thì bao giờ cũng có khủng hoảng, ngay từ khi nó xuất hiện. Nhưng, hãy hy vọng, sự khủng hoảng đó sẽ giúp ta điều chỉnh cả hệ thống. Ví dụ, vấn đề chính của chủ nghĩa tư bản là nạn tham nhũng, thiếu sự kiểm soát đối với hệ thống tài chính. Mà nhìn chung, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống vận hành không đến nỗi tồi. Những dạng xã hội không tưởng được thai nghén từ thế kỷ XIX, do không vận hành tốt nên dẫn đến khủng hoảng, dẫn đến chế độ độc đoán, độc tài. Nếu như ta làm cho chế độ hiện nay trở nên công khai, đảm bảo tự do báo chí, nói lên được những nhận xét có tính phê phán chính quyền, tôn trọng quyền con người… thì tất cả những cái đó trong một mức độ nhất định sẽ hạn chế được chủ nghĩa tư bản và cân bằng được với nó.

Đăng Bẩy giới thiệu và dịch
Từ Izvestia.ru