Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức

- Thứ Bảy, 06/07/2019, 07:26 - Chia sẻ
Luật Phòng, chống tham nhũng được QH sửa đổi toàn diện và thông qua tại Kỳ họp cuối năm 2018 (Luật 2018) đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 vừa qua. Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Nghị định quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Mở rộng phạm vi quà tặng

Luật 2018 dành một điều quy định về tặng quà và nhận quà tặng và giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Để hướng dẫn cụ thể nội dung này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định “cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình thì Luật 2018 đã mở rộng phạm vi quà tặng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng “dưới mọi hình thức”. Như vậy, quà tặng không chỉ đơn thuần là tiền, là tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà có thể là lợi ích phi vật chất như thành tích, điểm thi…


Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Q. Khánh

Để hướng dẫn thi hành quy định này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

Đánh giá về Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, Nghị định đã hướng dẫn kịp thời những nội dung mà Luật 2018 đã quy định giao cho Chính phủ thực hiện. Chỉ ra thực tế, có những luật được ban hành nhưng rơi vào tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn, theo ĐB Phạm Văn Hòa, việc Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn kịp thời cùng với ngày Luật có hiệu lực đã khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản, luật chờ nghị định như đã từng xảy ra. Điều này sẽ góp phần sớm triển khai các quy định của luật đi vào cuộc sống.

Xử lý nghiêm vi phạm về nhận, tặng quà

Để có cơ sở cho việc xử lý quà tặng cũng như xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng, Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng. Không chỉ bồi hoàn giá trị quà tặng mà còn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trước khi có Luật 2018 cũng đã có nhiều quy định về việc nộp lại quà tặng cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Đó là Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và của cán bộ, công chức, viên chức. Theo Quyết định này, nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý… Trong Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20.12.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng nêu rõ, thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Điều đáng mừng là chủ trương này đã được một số địa phương, cá nhân thực hiện khá nghiêm túc. Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 gửi đến QH cho thấy, năm 2018 có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng. Trong đó, tỉnh nhiều cán bộ trả lại quà tặng nhất là Bình Thuận với 9 người với số tiền là 106,5 triệu đồng; Đồng Tháp 2 người với 8 triệu đồng; Lâm Đồng 2 người, 20 triệu đồng; Long An 3 người, 17 triệu đồng; Vĩnh Phúc 1 người, 120 triệu đồng… Dù con số cán bộ trả lại quà tặng còn khiêm tốn nhưng cử tri và dư luận cho rằng, những quy định của Đảng, quy định pháp luật liên quan đến vấn đề quà tặng đã đi vào cuộc sống.

Rõ ràng, ở góc độ luật pháp thì quy định về quà tặng, xử lý vì phạm về quà tặng không thiếu. Vấn đề còn lại chính là việc thực hiện nghiêm các quy định này trên thực tế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức. Bởi như nhìn nhận của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, quà tặng được thể hiện dưới rất nhiều hình thức và rất khó kiểm soát. Các quy định về quà tặng, xử lý vi phạm trong việc tặng, hay nhận quà tặng đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ, nhưng điều quan trọng là ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, công chức cơ quan trong việc tuân thủ quy định này đến đâu.

Mong rằng, với những quy định chặt chẽ của Luật, của nghị định, các văn bản có liên quan, cùng với ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cán bộ sẽ không xảy ra những trường hợp vi phạm đáng tiếc về nhận quà và tặng quà vừa qua như một số quà tặng có giá trị rất lớn nhưng chỉ bị phát hiện và buộc nộp lại khi được phanh phui bởi một hành vi vi phạm nào đó.

Hà An