Thái Lan cân nhắc dời Thủ đô

Không dễ thực hiện

- Thứ Tư, 02/10/2019, 08:24 - Chia sẻ
Được truyền cảm hứng từ Myanmar và Indonesia, Thái Lan đang cân nhắc khả năng dời đô khỏi Bangkok để giải quyết những thách thức đô thị đang ngày càng nghiêm trọng như tình trạng quá tải dân cư, ô nhiễm môi trường, mực nước biển dâng cao đe dọa ngập lụt nặng và tắc nghẽn giao thông trầm trọng.

Hai lựa chọn

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha mới đây cho biết, Chính phủ đang xem xét hai phương án di dời Thủ đô. Phương án đầu tiên là tìm một thành phố không quá xa và cũng không quá đắt đỏ để chuyển Thủ đô đến đó. Hai là di dời các cơ quan Chính phủ ra ngoại ô Bangkok. Theo nhà lãnh đạo này, phương án sau sẽ giúp giảm tải giao thông nhờ giảm nhu cầu di chuyển ra vào trung tâm thành phố, tuy nhiên vẫn cần có nghiên cứu toàn diện về tác động kinh tế và xã hội.

Ý tưởng dời đô của Thái Lan được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố kế hoạch di dời Thủ đô từ Jakarta tới Đông Kalimantan trên phần đảo Borneo trong 5 năm với tổng chi phí khoảng 33 tỷ USD. Đây không phải lần đầu tiên ý tưởng di dời trung tâm hành chính của Thái Lan được đưa ra. Trước đó, trong giai đoạn 2001 - 2006, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng từng muốn chuyển Thủ đô về Nakhon Nayok, cách Bangkok 100km. Ngoài ra, cách đây hai năm đã có nghiên cứu về việc dời các cơ quan hành chính của chính phủ về Chachoengsao, một tỉnh trung tâm nông nghiệp cách Bangkok khoảng 80km về phía Đông.

Trên thế giới, các kế hoạch dời đô luôn đòi hỏi thời gian chuẩn bị rất lâu, ít nhất là 5 năm. Vì vậy, mặc dù có ý tưởng, nhưng các chính phủ tiền nhiệm ở Thái Lan chưa bao giờ biến được nó thành hiện thực vì lo ngại sẽ gây ra xung đột không thể khắc phục trong xã hội.

Được xây dựng trên vùng đất từng là đầm lầy, Bangkok là một trong những thành phố ở Đông Nam Á bị tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, cùng với  Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới từng dự đoán, gần 40% diện tích Bangkok sẽ bị ngập vào năm 2030 vì mưa to và sự thay đổi của các loại hình thời tiết khác. Năm 2011, các trận lụt lịch sử tồi tệ nhất trong vòng 70 năm đã khiến đất nước chùa Vàng bị thiệt hại kinh tế lên tới 46 tỷ USD, trong đó riêng Bangkok chi phí để tái thiết đã là 8 tỷ USD.

Ở khía cạnh khác, theo một nghiên cứu năm 2018 về các thành phố tắc nghẽn nhất thế giới, Bangkok xếp thứ 8. Bên cạnh đó, chất lượng không khí ở Thủ đô của Thái Lan cũng đang ngày càng xấu đi, đe dọa đến sức khỏe người dân, nhiều người phải đeo khẩu trang khi ra đường. Còn nhớ, một đợt khói bụi đặc biệt tồi tệ đầu năm nay đã khiến dân chúng hoang mang và nhiều trường học phải đóng cửa.

Nhiều luồng ý kiến

Nhiều chuyên gia nhận định, do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chưa yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu một cách nghiêm túc về việc di dời Thủ đô Bangkok nên ý tưởng đó có thể chỉ là phát biểu ngẫu hứng. Ông Thosaporn Sirisamphand thuộc Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan cho rằng, dời đô là một việc lớn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều cơ quan. Do đó, Thái Lan cần nghiên cứu kỹ các phương án nhằm giảm tắc nghẽn ở Bangkok và tập trung phát triển các thành phố cấp hai thì tốt hơn. Theo nhiều chuyên gia, phát triển vùng đang là giải pháp chính để chống tình trạng quá đông đúc ở Bangkok, đồng thời giúp tạo ra thu nhập cho các khu vực khác nhau. Thực tế, Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 12 của Thái Lan cũng tập trung vào phát triển kinh tế vùng và phân cấp khu vực đô thị.

Các kế hoạch phát triển hạ tầng đang thực hiện của Chính phủ như mạng lưới đường sắt đôi, hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường bộ sẽ tạo ra các khu vực kinh tế mới trong khu vực. Hành lang Kinh tế phương Đông (EEC), ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, sẽ trở thành khu vực kinh tế mới trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó, Hành lang kinh tế phía Nam cũng không nằm ngoài kế hoạch với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm đường bộ và đường sắt đôi dọc theo Vịnh Thái Lan. Ngoài ra, Chính phủ còn đặt mục tiêu đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án du lịch.

Tuy nhiên, vấn đề của các thành phố lớn hiện nay trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều, thậm chí hơn cả thiên tai, khí hậu ấm lên toàn cầu hay xã hội già hóa. Vì vậy, kế hoạch của các đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết chúng. Có thể Bangkok đang là trung tâm kinh tế của Thái Lan nhưng chỉ trong vòng 4 - 5 năm tới, các vùng ven biển phía Đông sẽ vượt Thủ đô để trở thành khu vực kinh tế mới một khi sự phát triển của EEC hoàn tất. Các vùng phía Nam vẫn duy trì là nền tảng quan trọng của du lịch nhưng những khu vực đã được công nghiệp hóa hơn sẽ được phát triển theo sáng kiến Hành lang kinh tế phía Nam.

Theo ông Issara Boonyoung, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Doanh nghiệp nhà ở, Chính phủ đang được thúc giục phải hỗ trợ phát triển những tỉnh lớn ở mỗi vùng trên toàn quốc, thay vì chỉ nghĩ đến việc dời đô. Việc đó hoàn toàn bất khả thi vì đây là nơi trung tâm của quá nhiều thứ. Người ta hay nói Bangkok là Thái Lan, Thái Lan là Bangkok không có gì sai, vì đây là nơi tọa lạc của Hoàng cung, tổng hành dinh của các cơ quan lớn, các bệnh viện đẳng cấp quốc tế và những trường đại học tốt nhất. Nghĩa là rất khó di dời những nơi này sang Thủ đô mới. Thay vào đó, Chính phủ nên chuyển hướng thúc đẩy phát triển các tỉnh lớn như Phuket, Songkhla, Nakhon Si Thammarat, Surat Thani, Nakhon Ratchasima, Udon Thani, Khon Kaen, Chiang Mai, Chiang Rai…

Đồng quan điểm, Giám đốc bộ phận quy hoạch thành phố của Bangkok Chukwan Nilsiri đánh giá, việc thiết kế quy hoạch đô thị cho một Thủ đô mới từ con số 0 khá dễ dàng, nhưng lại rất khó di chuyển Thủ đô ra khỏi Bangkok. Bởi Bangkok đã đầu tư hàng nghìn tỷ baht để phát triển mạng lưới giao thông, nên rất khó tái đầu tư số tiền trên cho các mạng lưới mới ở nơi khác.

Ngọc Minh