Không dễ thỏa hiệp

- Thứ Tư, 29/07/2020, 05:53 - Chia sẻ
Bộ Nguồn nước và Tưới tiêu Sudan vừa yêu cầu hoãn đàm phán về đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) để tiến hành tham vấn thêm. Như vậy, tiến trình đàm phán ba bên giữa Sudan, Ai Cập và Ethiopia sẽ tạm dừng trước khi được nối lại vào 3.8 tới dưới sự chủ trì của Liên minh châu Phi (AU).

Siêu đập thủy điện của châu Phi

GERD là dự án lớn nhất và được mệnh danh siêu đập thủy điện của lục địa đen. Còn xét trên bình diện thế giới, nó xếp hạng thứ 7 với tổng chi phí xây dựng vào khoảng 4,7 tỷ USD. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2022, GERD sẽ sản xuất hơn 6.000MW điện, đồng thời đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện năng lớn nhất châu Phi.

Đập Đại Phục Hưng của Ethiopia trước đây được biết với tên gọi Con đập thế kỷ, được xây dựng ở vùng Benishangul-Gumuz, và trên dòng sông Nile Xanh, cách Sudan khoảng 40km về phía Đông. Dự án trên do Tập đoàn Điện lực Ethiopia thực hiện và được khởi công vào năm 2011. Theo Ethiopia, mặc dù người dân và Chính phủ nước này là những người tài trợ cho dự án, nhưng GERD không chỉ phục vụ mỗi Ethiopia mà cả Sudan và Ai Cập. Nguồn nước của hai quốc gia kia phụ thuộc vào sông Nile mặc dù 85% dòng sông chảy qua Ethiopia.

Do công suất dự kiến là 6.000MW, các đập chính và đập phụ sẽ tạo ra hồ chứa có dung tích 74 tỷ mét khối. Như vậy, GERD sẽ có khả năng xử lý lũ lụt 19.370 mét khối mỗi giây, đồng thời đóng vai trò như một trong những con cầu hiếm hoi bắc qua sông Nile Xanh.

Theo: dailynewsegypt.com

Lợi ích song hành lo âu

Lâu nay, các cuộc thảo luận giữa Sudan, Ethiopia và Ai Cập về cách siêu đập thủy điện nên được tích nước như thế nào và quản lý ra sao, đều thất bại vì không thể giải quyết những mâu thuẫn cơ bản. Hồi tháng 2, một vòng đám phán do Mỹ hậu thuẫn đã kết thúc với việc Ethiopia “lắc đầu” ở thời điểm quan trọng. Các cuộc đàm phán đã tiến rất gần tới một thỏa thuận nhưng không thành vì không đạt được đồng thuận pháp lý về quản lý hạn hán và các hiệp ước quốc tế. Ethiopia cho rằng những điều này gây ảnh hưởng tới chủ quyền của mình.

Gần đây, Ethiopia lên kế hoạch làm đầy hồ chứa của đập Đại Phục Hưng vào mùa mưa trong tháng 7 này và dự kiến hoàn thành trong 7 năm. Tuy nhiên, Ai Cập và Sudan lo ngại động thái đó có thể làm giảm mực nước sông Nile, gây hậu quả nghiêm trọng cho họ ở hạ lưu sông. Theo Ai Cập, kế hoạch nên diễn ra trong 12 đến 21 năm để giảm thiểu tác động của công trình với nguồn nước sông Nile. Tuần trước, căng thẳng gia tăng khi nhiều nguồn tin và hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy, Ethiopia đã bắt đầu tích nước vào hồ chứa.

Hôm 27.7, Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Sudan Yasir Abbas thể hiện nghi ngại về hành động đơn phương trên của Ethiopia trước khi đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc giữa 3 nước. Bộ trưởng Abbas cho rằng, động thái như vậy là “một tiền lệ xấu, đáng quan ngại” trong hợp tác giữa ba nước, do đó, ông hối thúc soạn thảo một chương trình nghị sự cụ thể cho toàn bộ tiến trình đàm phán dựa trên nội dung đã được thống nhất, cũng như đưa ra các điều khoản rõ ràng trong trao đổi thông tin và báo cáo giữa tất cả các bên liên quan.

Cùng chung quan điểm, Bộ Tưới tiêu Ai Cập ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về hành động của Ethiopia, cho rằng nó “phủ bóng lên các cuộc đàm phán và làm gia tăng nghi ngại về tính khả thi của tiến trình đàm phán, cũng như việc đạt được một thỏa thuận công bằng”. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến do AU tổ chức ngày 21.7, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Sudan và Ethiopia đều nhất trí nối lại các cuộc đàm phán kỹ thuật về GERD. Được biết, cuộc đàm phán mới nhất giữa 3 quốc gia về dự án này bị đình trệ hôm 17.6. 

Thực tế, GERD còn là nguyên nhân chủ chốt gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ethiopia và Ai Cập. Đất nước Kim tự tháp lo sợ phải mất dù chỉ một nhánh sông, nhất là khi sông Nile Xanh bắt nguồn từ Ethiopia lại là nhánh cung cấp nước chính cho sông Nile ở Ai Cập. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Ai Cập có tới 95% dân số đang sống phụ thuộc vào nguồn nước trên. Nước sông Nile từng cho phép Cairo xây dựng một nền văn minh rực rỡ thời cổ đại và cũng là nền tảng của kinh tế hiện đại.

Ai Cập thậm chí nhận định, mục đích thực sự của Ethiopia là muốn thống trị chiến lược đối với vùng Sừng châu Phi và sông Nile, và con đập chính là kế hoạch nhằm làm giảm sức mạnh của nước này. Mặc dù khẳng định không cấm Ethiopia xây đập, nhưng Ai Cập không muốn trở thành nạn nhân, phải trả giá cho sự phát triển của một quốc gia khác.

Trong khi đó, phía Ethiopia phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi là rất quan trọng đối với chính trị và sự phát triển kinh tế quốc gia. Ethiopia thậm chí so sánh GERD với đập Hoover, vốn giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 1930, đồng thời cho thế giới thấy tầm nhìn và khả năng to lớn của xứ sở cờ hoa. Với công suất lớn gấp 3 lần đập Hoover, Ethiopia cho rằng, GERD là một minh chứng về quy mô xây dựng thủy điện hiện đại ở châu Phi và trên toàn cầu, cũng như tiềm năng thay đổi đáng kể dòng chảy của sông.

Căng thẳng giữa Sudan, Ai Cập và Ethiopia về sông Nile thực tế là một trong những điểm nóng tranh chấp nguồn nước đang gia tăng trên toàn cầu. Nhiều nước đang phát triển luôn mong muốn phát triển và xây dựng các đập thủy điện để sản xuất điện và phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy và nguồn cấp nước cho các dòng sông. Báo cáo của Ủy ban châu Âu từng chỉ ra 5 khu vực có thể nổ ra xung đột vì nước là các hệ thống sông Nile, sông Hằng, sông Ấn, sông Tigris-Euphrates và sông Colorado.

Thái Anh