Không để tăng trưởng âm

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:00 - Chia sẻ
Từ cuối tháng 7, dịch Covid-19 lại bùng lên khiến nền kinh tế nước ta chưa kịp hồi phục sau đợt dịch trước, nay tiếp tục phải đối mặt với đợt dịch mới phức tạp hơn và nhiều diễn biến khó lường. Chính phủ và nhân dân một lần nữa phải căng mình vừa lo chống dịch vừa lo nền kinh tế không bị ảnh hưởng sâu. Thông điệp Thủ tướng đã đưa ra là “không để tăng trưởng âm”. Để đạt mục tiêu này, cần nhìn xem trong thời gian qua, các nhân tố của cầu cuối cùng đóng góp vào GDP ra sao.

Nhìn về phía cầu có thể thấy đóng góp vào GDP cơ bản là tiêu dùng cuối cùng. Tiêu dùng cuối cùng luôn chiếm trên 70% trong GDP suốt 15 năm qua. Từ năm 2015 đến nay, tiêu dùng cuối cùng đóng góp vào tăng trưởng trên 74%, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp vào GDP trên 68%, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ chiếm trong GDP khoảng  6%. Tích lũy tài sản chiếm trong GDP khoảng 27%, xuất khẩu thuần hàng hóa và dịch vụ trong những năm gần đây chiếm khoảng 2 - 3% trong tổng GDP (còn lại là sai số thống kê).

Dữ liệu trên đây chứng tỏ tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư là rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng. Từ đó có thể thấy cách ly xã hội tuy là việc làm rất cần thiết để chống dịch nhưng cũng nên cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định phong tỏa hoàn toàn một vùng hoặc nhiều vùng nào đó; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan như ở một số địa phương.

Hơn nữa, tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư lan tỏa tốt nhất đến giá trị tăng thêm và xuất khẩu hàng hóa lan tỏa thấp nhất đến giá trị tăng thêm. Trong cả giai đoạn 2010 - 2020, xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kích thích giá trị sản xuất cao nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm rất thấp, và xu hướng này ngày càng thấp đi. Không những thế, trừ nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu, các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác như “công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nguyên vật liệu, máy móc thiết bị” lan tỏa rất mạnh đến nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu còn dệt may, giày da chiếm 20%. Như vậy hai nhóm sản phẩm này chiếm 52% giá trị xuất khẩu. Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy xuất khẩu của hai nhóm ngành này lan tỏa đến giá trị tăng thêm theo giá cơ bản (bao gồm thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất) rất thấp nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất mạnh. Như vậy, giả sử rằng thị trường châu Âu (EU) chấp nhận nhập khẩu những sản phẩm này, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, thì nền kinh tế Việt Nam cũng không được gì nhiều!

Tính toán cũng cho thấy, trong 100 USD xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện chỉ tạo ra 27 USD giá trị tăng thêm và 14 USD thu nhập của người lao động; sản phẩm dệt may, giầy da xuất khẩu 100 USD tạo ra 31 USD giá trị tăng thêm và 18 USD thu nhập của người lao động. Điều này hàm ý, nếu vẫn đam mê thành tích bề nổi như thành tích xuất khẩu thì người dân và nền kinh tế Việt Nam cũng chẳng được lợi lộc gì nhiều từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương. EVFTA cũng vậy thôi!

Tóm lại, vừa đối phó với dịch bệnh, vừa bảo đảm đầy đủ an sinh xã hội cho người dân chính là bảo đảm “không tăng trưởng âm” như thông điệp của Thủ tướng.

TS. Bùi Trinh