Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Không để phình thêm bộ máy

- Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:22 - Chia sẻ
Tuy nhu cầu kiện toàn các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đang đặt ra do trong hoạt động gặp nhiều khó khăn khi là tổ chức kiêm nhiệm. Song để phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã bổ sung quy định về bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Hình thành bộ phận tham mưu chuyên trách

Bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh là một nội dung mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này, không được Chính phủ trình ra. Tuy nhiên, tại Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, qua giám sát thực tế và báo cáo của các bộ, ngành và 27 UBND về thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai cho thấy một số vấn đề cần lưu ý.


Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên thảo luận về dự án luật
Ảnh: Quang Khánh

Liên quan tới vấn đề về thẩm quyền vận động quyên góp, khi cho ý kiến vào dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tám, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có một đầu mối huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được quy định tại điều khoản sửa đổi Khoản 2 Điều 33, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành. Tại dự thảo Luật mới nhất đã quy định “Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm kêu gọi tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp nước ngoài, trong nước trong các tình huống khẩn cấp” (Khoản d, Điều 33). Tuy nhiên quy định trong phần sửa đổi trong Điều 33 này không khác nhiều so với quy định hiện hành, trong khi thực tế quyên góp, nơi có mỳ lại không có nước, nơi có nước lại không có mỳ, hoặc nơi quyên góp không có điều phối tổng thể. Dự thảo Luật có giao cho Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng vấn đề trên thực tế nếu sửa đổi như thế này đã bảo đảm chưa?

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Cụ thể, hoạt động của các Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp còn gặp nhiều khó khăn do đây là tổ chức kiêm nhiệm; bộ phận thường trực của các Ban này chưa được chuyên môn hóa, tổ chức thiếu tính ổn định. Hiện chỉ ở Trung ương mới có Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai được đặt tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ NN - PTNT, có con dấu, được cấp kinh phí để hoạt động. Ở cấp tỉnh, đơn vị thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn được đặt tại Chi cục Thủy lợi hoặc Chi cục quản lý đê điều và sử dụng chung bộ máy, nguồn lực của Chi cục Thủy lợi, Chi cục quản lý đê điều để thực hiện nhiệm vụ; ở cấp huyện sử dụng bộ máy của Phòng Nông nghiệp và ở cấp xã có phân công cán bộ theo dõi.

Qua giám sát về công tác phòng, chống thiên tai cũng cho thấy, điều kiện làm việc, phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn còn chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu nguồn lực tài chính, vật tư, trang thiết bị chuyên dùng; chất lượng công tác tham mưu còn hạn chế; thiếu lực lượng chuyên nghiệp ứng phó với thiên tai. Dù rất cần thiết thực hiện kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Tuy nhiên, trong điều kiện triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng như Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, dự thảo Luật bổ sung quy định về thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Cần đánh giá kỹ tác động

Việc kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này là nhu cầu đang đặt ra trong thực tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần cân nhắc và thảo luận thêm về bộ phận tham mưu chuyên trách cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Bởi lẽ, thay vì đặt bộ phận này tại Chi cục Thủy lợi và sử dụng luôn bộ máy, nguồn lực của Chi cục Thủy lợi như hiện hành, tới đây sẽ thành lập bộ phận tham mưu chuyên trách, thì rõ ràng không thể nói là không phát sinh bộ máy. Mặt khác, bản thân nội dung mới bổ sung này chưa lấy ý kiến của Chính phủ, nên Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, phải sớm xin ý kiến của Chính phủ, vì “nếu cứ mỗi tỉnh đều có sẽ phát sinh bộ máy cũng tương đối”.

Việc thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ huy cấp tỉnh sẽ không phù hợp với chủ trương được xác định tại Nghị quyết 18 - NQ/TW. Đưa ra nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, Nghị quyết 18 - NQ/TW quy định rõ để thực hiện tinh gọn bộ máy sẽ cần giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách. Ngoài ra, Nghị quyết 56 của Quốc hội giám sát chuyên đề về tổ chức bộ máy cũng định, từ năm 2018, khi thành lập mới Ban chỉ đạo tổ chức liên ngành sẽ phải xác định cụ thể thời hạn hoạt động và kiên quyết không thành lập mới làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế. Với việc bổ sung nội dung mới này vào dự án Luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phải có giải trình rất kỹ, lấy ý kiến Chính phủ và cũng đánh giá sự phù hợp với chủ trương hiện nay về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, không thành lập các bộ phận chuyên trách giúp việc các tổ chức phối hợp liên ngành.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu không thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ huy cấp tỉnh, giữ mô hình tạm thời như hiện nay, “lúc lấy mấy người ở thủy lợi, lúc lấy mấy người ở đê điều, lúc lấy mấy người ở văn phòng” thì không tham mưu được trước tình hình biến đổi khí hậu, cũng như thiên tai xảy ra thường xuyên, khốc liệt hiện nay. Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ lấy ý kiến của Chính phủ về nội dung này, đồng thời tổ chức bộ máy này trên cơ sở cắt giảm, điều chuyển nhân sự từ các bộ phận khác sang, không làm tăng biên chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cần cân nhắc khi thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Bởi theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thiên tai xảy ra thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, giống như đang chống dịch hiện nay. Và đứng mũi chịu sào trong quá trình phòng, chống thiên tai, dịch bệnh sẽ là ngành chủ trì và lực lượng vũ trang.

Thanh Hải