Góc nhìn

Không để “mất thiêng”!

- Thứ Ba, 05/07/2016, 08:15 - Chia sẻ

Trong một chuyến công tác tại Thái Nguyên cách đây dăm bảy năm, tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mùi. Lúc đó, ông Mùi đang giữ chức Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Ông kể rằng, mỗi khi xem xét các dự thảo nghị quyết, ông luôn hỏi Sở Tài chính: Có “nguồn” không? Nếu câu trả lời là không, dự thảo nghị quyết đó sẽ bị gác lại. “Các quyết định của HĐND không thể ban hành cảm tính, mà phải có đủ nguồn lực tài chính cũng nhân lực thực hiện mới đi vào cuộc sống được. Nghị quyết nếu chỉ được ban hành cho có thì e rằng HĐND sẽ mất đi “tính thiêng” của mình” - vị Trưởng ban từng có thâm niên tham mưu cho ủy ban, rất rành rẽ chuyện tài chính nói. Với cách làm này, khá nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên trong lĩnh vực KT - XH đã được triển khai có hiệu quả trong thực tế.

Tôi nhớ tới câu chuyện này vì HĐND các cấp vừa bước vào nhiệm kỳ mới. Và lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng, HĐND ban hành quá nhiều nghị quyết trong một kỳ họp. Nhưng khách quan mà nói, nhiều hay ít nghị quyết là điều rất khó đánh giá. Bởi sự đa dạng và biến đổi không ngừng của cuộc sống cũng như mong muốn chính đáng của mỗi người dân về một tương lai tốt đẹp hơn thường đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Sẽ là rất tốt nếu HĐND của một địa phương ban hành được nhiều nghị quyết, và tất cả những nghị quyết đó được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, điều này có vẻ không dễ xảy ra trong thực tế vì điều kiện hoạt động cũng như các nguồn lực của HĐND hiện chưa cho phép. Nỗi lo về việc HĐND ban hành quá nhiều nghị quyết do đó có lẽ hàm ý cảnh báo một rủi ro: Nếu các nghị quyết do HĐND ban hành không được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, HĐND sẽ mất đi “tính thiêng” của mình.

Các giải pháp nâng cao chất lượng các nghị quyết do HĐND ban hành đã được bàn thảo kỹ ở rất nhiều cuộc họp, hội nghị của cơ quan dân cử. Có những giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách cần thời gian để điều chỉnh, nhưng bằng cách tạo thế chủ động trong suốt quá trình ban hành nghị quyết, HĐND vẫn có thể bảo đảm hơn nữa tính khả thi của nghị quyết khi được ban hành.

Chẳng hạn, HĐND có nhiều căn cứ để lựa chọn vấn đề ban hành nghị quyết. Thứ nhất, từ yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Thứ hai, xuất phát từ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp xúc cử tri... của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND. Thứ ba, do UBND, MTTQ và các ngành chuyên môn đề nghị… Khi dự kiến Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm, HĐND có thể so sánh, đối chiếu các đề nghị ban hành nghị quyết của nguồn thứ nhất và nguồn thứ ba với nguồn thứ hai - là những gì HĐND trực tiếp mắt thấy tai nghe, để có những lựa chọn sát với yêu cầu thực tế nhất.

Đại diện cho người dân, HĐND các cấp còn nhiệm vụ nào quan trọng hơn  là “nghĩ cho dân”, thể hiện ở việc nghiên cứu tác động của chính sách lên các tầng lớp dân cư trước khi quyết định ban hành. Thế nhưng, nhiều dự thảo nghị quyết “đến muộn”, thậm chí sát nút kỳ họp mới được đưa ra, khiến các ban của HĐND không có đủ thời gian để thực hiện tốt việc thẩm tra. Với tình huống này, nếu các ban HĐND có sự chủ động từ trước thì cũng không phải khó xử lý. Bởi, thông thường, dự kiến các nghị quyết được trình tại kỳ họp có từ khá sớm, các ban, các đại biểu trong quá trình giám sát, tiếp xúc cử tri, làm việc với các sở, ngành, có thể dành sự lưu tâm cho những nội dung dự kiến sẽ ban hành nghị quyết và “tranh thủ” tham vấn ý kiến người dân.

Cuối cùng nhưng quan trọng bậc nhất chính là nguồn lực thực thi nghị quyết mà nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thái Nguyên nhắc tới trong câu chuyện ở trên. 

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, cơ quan dân cử ở địa phương sẽ ban hành các nghị quyết để quyết định chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… trên địa bàn. Chất lượng những nghị quyết này là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện quyền lực của HĐND là thực chất hay hình thức.

Hồng Loan