Vốn vay giải quyết việc làm

Không để “lực bất tòng tâm”

- Thứ Sáu, 12/10/2018, 07:24 - Chia sẻ
Tính riêng trong gần 3 năm, từ 2016 đến nay, chỉ với hơn 16 nghìn tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm nhưng đã có gần 550 nghìn lao động đã có việc làm và đi xuất khẩu lao động... Những con số trên thể hiện rõ hiệu quả của chính sách cho vay giải quyết việc làm của Chính phủ. Song, trên thực tế, nguồn vốn này đang rất hạn hẹp và cần phải được các bên liên quan quan tâm đúng mức; tránh tình trạng, biết hiệu quả mà “lực bất tòng tâm”.

Cung chưa đủ cầu

Có mặt tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 - 2018 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tổ chức ngày 11.10, hộ vay Tô Thị Son, dân tộc Nùng, ở phường Đông Kinh, Lạng Sơn cho hay, dù chỉ được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn này, nhưng đó là yếu tố chính giúp chị và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhờ số tiền với lãi suất ưu đãi, lại không cần đến tài sản để thế chấp, chị đã gây được đàn bò 6 con, hàng trăm con gà… và sau hơn 2 năm, nguồn vốn đã mang lại cho chị thu nhập 150 triệu đồng/năm. “Tuy nhiên, năm 2016 - thời điểm tiếp cận nguồn vốn, nếu tôi được vay 50 triệu đồng theo đề nghị thì chắc chắn sẽ thành công hơn nữa” - chị Son chia sẻ.

Cũng là người đi lên từ những đồng vốn giải quyết việc làm, ông Đỗ Quang Quế ở xóm 6, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho hay, từ nguồn vốn giải quyết việc làm, sau gần 6 năm, gia đình ông đã gây dựng được cơ ngơi “đáng nể” với thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm từ bưởi, cam. Cùng với đó là giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Song, theo ông Đỗ Quang Quế, vì đầu tư vào trồng cam, bưởi, nên ông cũng phải vất vả mất mấy năm đầu mới đi vào thu hoạch ổn định. Tôi canh tác thuận lợi nhưng cũng phải mất 3 - 4 năm đầu không lời lãi; cộng thêm, lãi suất thấp nên chúng tôi mới trụ được và có ngày hôm nay” - ông Quế chia sẻ.

Vốn vay giải quyết việc làm không chỉ giúp ổn định cuộc sống người dân mà còn ổn định trật tự xã hội
Ảnh: Đức Kiên

Từ thực tế của mình, lão nông vùng chiêm trũng này cũng đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, NHCSXH xem xét tăng số tiền cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, thời gian cho vay dài hơn, để cho người vay về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có thời gian quay vòng vốn.

Đối với cá nhân là vậy, còn đối với các cơ sở sản xuất nhỏ thì nguồn vốn không chỉ là cứu cánh cho một người mà là một tập thể người lao động. Như trường hợp của chủ dự án Sản xuất kinh doanh gò hàn và gia công cơ khí Hoàng Anh Sơn ở thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ. Chọn quê hương và nghề cơ khí để khởi nghiệp, chàng thanh niên xứ Thanh đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng, lãi suất 6,6%/năm từ Quỹ việc làm quốc gia do NHCSXH Thanh Hóa thực hiện. Từ cơ sở sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng/năm, nay Hoàng Anh Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp sản xuất cơ khí với tổng doanh số sản xuất hàng hóa đạt từ 4 - 4,5 tỷ đồng/năm, cho thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 9 công nhân, trong đó 7 công nhân trong độ tuổi thanh niên với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/lao động hàng tháng. Với Sơn, nguồn vốn là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, là chính sách ưu đãi tốt nhất đối với thanh niên nghèo, khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Tuy  nhiên, theo chàng thanh niên này, mức vay như hiện nay không còn phù hợp, cần tăng mức vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh đối với 1 dự án tối đa là 2 tỷ đồng và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm.

Đã đến lúc nên điều chỉnh lãi suất, thời hạn và mức vay!

 Đến ngày 30.9, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 7.631 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 4.497 tỷ đồng; nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm là 6.285 tỷ đồng, tăng 3.789 tỷ đồng so với năm 2015; nguồn vốn do NHCSXH huy động để cho vay giải quyết việc làm là 3.778 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỷ đồng, với gần 476 nghìn khách hàng; dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỷ đồng, với trên 15 nghìn hộ vay còn dư nợ.

Quỹ quốc gia về việc làm mới chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu vay vốn tạo việc làm. Trong khi đó, ngân sách trung ương vẫn chưa bổ sung nguồn vốn cho Quỹ để cho lao động vay đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp

Đây là khẳng định của Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý - người đại diện cho cơ quan trực tiếp thực thi chính sách cho vay giải quyết việc làm và cũng là mong muốn của các đại biểu dự Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 - 2018. Theo các đại biểu, những mong muốn của các hộ vay nêu trên là chính đáng, vì vậy, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã vận dụng mọi nguồn lực để ủy thác sang NHCSXH  thực hiện cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Đơn cử, tại Gia Lai, gần 3 năm qua, dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 154,5 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh; giúp gần 3 nghìn lượt hộ vay vốn, giải quyết việc làm cho 3.340 lao động. Nguồn vốn góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 còn 2% (giảm 0,06% so năm 2015).

Tại Cần Thơ, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã giải ngân cho 8,3 nghìn dự án vay vốn với tổng số tiền 284 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 11 nghìn lao động. Trong đó, đã giải ngân cho 1.605 dự án với số tiền là 80 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng; giải quyết việc làm cho 1,8 nghìn lao động. Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 272 tỷ đồng, với 8,2 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,17%.

Tại Quảng Ninh, tính riêng năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, trước nhu cầu bức thiết về vay vốn của người dân, NHCSXH tỉnh được NHCSXH Việt Nam bố trí 200 tỷ đồng bổ sung từ nguồn vốn huy động (chiếm 65% tổng nguồn vốn). Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2017, toàn tỉnh sẽ tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 19.000 lao động. Như vậy, với mức vay bình quân 50 triệu đồng/hộ thì nguồn vốn bổ sung vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, phát triển kinh tế hộ gắn với giải quyết việc làm.

Nhìn vào tỷ lệ nợ quá hạn của một số địa phương nêu trên có thể thấy rõ hiệu quả của nguồn vốn; kéo theo đó là tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm đáng kể. Song, với sự chênh lệch cung cầu nguồn vốn như hiện nay, nếu không được quan tâm, điều chỉnh, bổ sung đúng mức từ mức vay, thời hạn vay đến lãi suất cho vay là một điều đáng tiếc cho một chính sách tín dụng ưu việt như Cho vay giải quyết việc làm. 

Riêng với lãi suất cho vay giải quyết việc làm (đang được tính bằng lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm), theo nhiều đại biểu dự hội nghị là bất hợp lý, cần phải điều chỉnh nâng lên bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Có như vậy, mới bảo đảm công bằng cho các đối tượng vay cũng như giúp NHCSXH tạo thêm một nguồn vốn tăng thêm, giúp tạo việc làm cho các lao động khác.

Bình Nhi