Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”

Không để dàn trải trong xóa đói giảm nghèo

- Thứ Tư, 06/11/2019, 21:44 - Chia sẻ
Hiện nay nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xóa đói giảm nghèo là rất lớn nhưng đầu tư bằng cách nào để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả mới là vấn đề cần quan tâm. Phải làm thế nào để trong giai đoạn tới phải tập trung nguồn lực cho chương trình mục tiêu, tập trung đầu mối qua NHCSXH, không để dàn trải trong xóa đói giảm nghèo.

Lào Cai là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tổng số hộ nghèo của tỉnh chiếm 90%. Tỉnh xác định đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của chính quyền trong nhiều năm qua.

Hàng năm, Lào Cai dành 70% nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn những hạn chế nhất định, phương thức đầu tư trực tiếp cho người dân có tác dụng trong phạm vi, thời gian nhất định. Tín dụng chính sách ra đời là giải pháp ưu việt tạo nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư nông nghiệp nông thôn và chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Chỉ thị 40 của Ban Bí thư ra đời tạo điều kiện cho địa phương cũng như cho NHCSXH tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng xã hội với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn. Từ thực tế triển khai, chính sách này rất phù hợp với nhu cầu và nhận thức của người dân, nguồn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư trong xóa đói giảm nghèo.


Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường
Ảnh: Duy Thông

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện nay đã có hơn 107.000 lượt hộ dân được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xóa nhà tạm, cung cấp nước sạch…. Doanh số cho vay hàng năm gần 1.000 tỷ đồng với dư nợ đến thời điểm hiện nay lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, nguồn lực này giúp cho 40 nghìn hộ trên địa bàn thoát nghèo. Cùng với nguồn lực của địa phương, nguồn lực của trung ương đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp nông thôn, nguồn tín dụng chính sách này đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lào Cai từ 34,3% (năm 2015) xuống còn 16,25% (năm 2018), bình quân mỗi năm giảm được 16% tỷ lệ hộ nghèo.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phương thức hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình mục tiêu từ “cho không” sang “cho vay” để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.

Đối với cấp ủy chính quyền địa phương, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư để tạo hoạt động của ngân hàng chính sách trên địa bàn thuận lợi về điều kiện hoạt động, điều kiện tăng nguồn vốn thông qua việc ủy thác thực hiện chương trình cho vay giảm nghèo từ nguồn ngân sách của địa phương mình.

Đối với NHCSXH cần mở rộng hình thức nguồn vốn, từ đó nâng cao nguồn vốn, hình thức cho vay nên mở rộng đối tượng hơn, phối hợp tốt các nguồn của các cơ quan tổ chức trên địa bàn, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân thông qua tổ tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở. Bên cạnh đó, phải chủ động thay đổi phương thức cho vay để tăng tốc độ luân chuyển của đồng vốn vay bằng cách phối hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn trên địa bàn để hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả nhất, tạo điều kiện cho các hộ dân thực hiện vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách của nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường