Góc nhìn

Không để bất thường thành bình thường

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:26 - Chia sẻ
“Ngập lụt lịch sử”, “ngập lụt chưa từng thấy” được dùng nhiều trên các báo khi nói về tình trạng lũ lụt ở Tây Nguyên và Nam Bộ khiến 10 người thiệt mạng, 1 người mất tích, thiệt hại tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Hôm qua (13.8), một đoạn đê bao Quảng Điền, tỉnh Đắk Lắk đã bị vỡ, nước sông Krông Ana tràn vào hơn 1.000ha lúa của người dân, có khả năng mất trắng. Vì sao vùng cao nguyên chưa từng xảy ra ngập lụt nay cũng “thất thủ” trước mưa lũ? Vì sao sát biển như Phú Quốc, lẽ ra phải thoát nước nhanh, nhưng vẫn ngập?

Tất nhiên nguyên nhân là do tần suất mưa và lượng mưa quá lớn, do biến đổi khí hậu với những biểu hiện ngày càng cực đoan. Nhưng thật ra, không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, Việt Nam đã được cảnh báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến cường độ và mức độ của bão tố, lũ lụt… tăng đột biến. Điều này các cơ quan hữu trách nước ta đều đã biết và lường trước, trong đó có việc quy hoạch đô thị, khu dân cư, nhưng thực tế nó đã được nhìn nhận và thực hiện ra sao? Có phải chỉ do nguyên nhân thiên tai gây ra?

Tây Nguyên đang dẫn đầu trong danh sách phá rừng và thu hẹp độ che phủ của rừng. Từ năm 2010 - 2015, khu vực này có tốc độ suy giảm rừng nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng nhanh nhất cả nước. Rừng đầu nguồn bị tàn phá, rồi thủy điện xả nước trong khi mưa lớn, càng làm cho lũ lụt nghiêm trọng hơn. Về quy hoạch các đô thị, Đà Lạt đang trong quá trình bê tông hóa mạnh mẽ, không chỉ nhà cửa mà hệ thống nhà kính, nhà lưới 5 năm qua đã tăng gấp 5 lần. Phú Quốc như một “đại công trường”, lấn, lấp suối khiến nước không còn chỗ thoát, năm 2018 có tới 4 triệu du khách đến đảo, nhiều hơn gần 40 lần dân cư ở đây. Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu “không gian dành cho nước” dù nó rất quan trọng.

Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ngập lụt sau mưa không chỉ dừng ở những khu vực chiêm trũng, như cách phân loại địa lý theo kinh nghiệm trong dân gian bấy lâu nay, mà đã xảy ra ở nhiều nơi. Từ những thành phố ở vùng đồng bằng, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, tới cao nguyên Đà Lạt và ra tận đảo như Phú Quốc có nơi ngập sâu tới 2m. Nếu tiếp tục phớt lờ lời cảnh báo, tiếp tục xây thủy điện, làm đập ngăn dòng chảy, bê tông hóa nhà cửa và đường sá, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ phá rừng thì những trận lũ kinh hoàng hay ngập lụt lịch sử chắc chắn sẽ chưa dừng lại.

Lũ lụt bất thường vừa qua được coi là sự trả giá quá đắt. Để khôi phục những gì đã mất thực sự không dễ, nhưng nếu không làm, chắc chắn lũ lụt bất thường sẽ trở nên bình thường đối với những nơi vốn dĩ là vùng đất an yên trước thiên tai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, với những tác động đã nhìn thấy ngay, thì việc “thuận thiên” để tồn tại, phát triển là yêu cầu sống còn, chứ không phải là việc “nên làm” nữa.

Rõ ràng, các khu đô thị để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số, bắt buộc phải có kết cấu hạ tầng đồng bộ từ cấp, thoát nước đến giao thông. Việc quản lý xây dựng phải được thực hiện chặt chẽ, rốt ráo. Trước mắt, cần nhận diện những tác động tiêu cực của con người tới môi trường, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, như lấp ao, hồ, lấn sông, biển trái phép, phá rừng, lấp suối xây dựng sai quy hoạch… Lớn hơn, phải đưa vào chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương, không thể phát triển bất chấp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Chi An