Không để ai bị bỏ lại phía sau!

- Thứ Hai, 25/11/2019, 08:15 - Chia sẻ
“Đây là tinh thần cốt lõi mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đã gửi gắm trong từng câu, từng chữ của Chỉ thị số 40. Chính bởi vậy, sau khi ra đời, Chỉ thị số 40 đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, sự đón đợi của người nghèo và gia đình chính sách; từ đó chuyển biến vào hành động, giúp việc giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ.

5 năm, 3 lần tăng vốn

- Điều gì khiến 5 năm qua, dù khó khăn đến đâu, mỗi năm Hà Tĩnh vẫn dành hơn chục tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH, thưa ông?

- Trước tiên tôi xin khẳng định, đó là nhiệm vụ mà mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải làm. Song quan trọng hơn, chúng tôi nhận thấy tính đúng đắn, thiết thực và tầm bao phủ rộng lớn mà Chỉ thị số 40 tác động đến.

Với 5 nội dung: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; (2) nâng cao trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; (3) tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; (4) nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH; (5) tổ chức thực hiện, Chỉ thị số 40 đã giao nhiệm vụ cho toàn bộ hệ thống chính trị các cấp vào cuộc. Điều này có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt tập hợp lực lượng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực thực hiện.

Thời gian qua, Hà Tĩnh dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tăng vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình là bởi nguồn vốn đầu tư này không bao giờ mất đi; nó chỉ sinh lời ít hay nhiều, lâu hay chóng. 5 năm qua, chúng tôi đã 3 lần tăng vốn ủy thác sang NHCSXH với tổng mức tăng 69 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn ủy thác lên 105 tỷ đồng; tổng dư nợ toàn tỉnh lên hơn 4.500 tỷ đồng. Đây là một nét mới, đặc thù trong công tác chỉ đạo và thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Vậy, nguồn vốn ủy thác này đã tác động thế nào đến đời sống của người nghèo, thưa ông?

- Rất phấn khởi để nói với bạn rằng, chúng tôi đã đầu tư đúng hướng! 5 năm qua, cùng với nhiều cách làm khác, nguồn vốn ủy thác của các địa phương trong tỉnh đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,7% (năm 2014) xuống còn 6,72% (năm 2918). Đặc biệt, 18 xã ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, các huyện ven biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã thoát ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn...

Đã có hơn 216 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong tỉnh được vay vốn. Qua đó, giúp gần 37 nghìn hộ vượt qua ngưỡng đói nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống; trên 37 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ dân xây mới, cải tạo gần 138 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng trên 900 ngôi nhà ở hộ nghèo và nhà vượt lũ; mua trên 200 nhà ở xã hội, xây dựng cải tạo 89 nhà kiên cố.

Quan trọng là con người

- Rõ ràng, con số 105 tỷ đồng vốn ủy thác trong 5 năm không phải lớn nhưng nó lại có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của tỉnh, theo ông đâu mới là căn nguyên của vấn đề?

- Một bài học quan trọng là mọi sự thành - bại đều do con người. Con người ở đây trước nhất phải là cán bộ. Trong quá trình thực hiện, cán bộ phải biết tổ chức cho người dân, biết hy sinh cho nhân dân, tạo niềm tin trong dân. Cán bộ càng hiểu sâu sắc dân mình thì các vướng mắc, khó khăn sẽ được mau chóng được giải quyết. Với Hà Tĩnh, chúng tôi coi mỗi người nghèo thoát nghèo là một sản phẩm lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ. Đó chính là thước đo! Đời sống người dân còn khổ thì chứng tỏ cán bộ chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Còn đối với người nghèo, như tôi đã phân tích, họ dễ bị tổn thương, tự ti và chừng mực nào đó thiếu ý thức làm ăn, thiếu vốn. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, cán bộ phải là người xóa đi mặc cảm, kích thích sự sáng tạo và tinh thần vươn lên trong người nghèo; đồng thời, phải biết huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ người nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh. Cách làm này đã giúp Hà Tĩnh giảm sâu và giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh hơn so với bình quân của cả nước và thực tế, chúng tôi đã làm được với kết quả giảm 1,6%/năm.

- Những gì Chỉ thị số 40 mang lại cho người nghèo đã rõ. Với cương vị cấp ủy ở địa phương, theo ông cần làm gì để lan tỏa hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách này?

- Chỉ thị số 40 là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện mang tính khả thi cao trong bối cảnh hiện nay. Việc cho vay có điều kiện cùng với những khuyến khích, đôn đốc sát sao của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, nhất là sự tận tụy của những người làm trực tiếp đã thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm của người nghèo. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm; tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ 0,05%. Một chủ trương, chính sách tốt như vậy không lý nào không tiếp tục thực hiện.

Phải nói thêm rằng, quá trình thực hiện Chỉ thị số 40 của NHCSXH từ Trung ương đến địa phương và Ban đại diện tại huyện, tỉnh, thành phố được tổ chức rất kỹ, bài bản; cách làm khoa học. Điều quan trọng, cán bộ hiểu được tâm tư người dân rất xác thực. Các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm đã hỗ trợ rất nhiều cho dân trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay; giúp chính quyền triển khai kịp thời các chính sách mới đến đúng đối tượng, đúng thời điểm. Đặc biệt, nguồn vốn này giúp người dân tránh sa vào bẫy tín dụng đen, bảo đảm an ninh trật tự, xã hội.

Riêng đối với Hà Tĩnh, chúng tôi coi tín dụng chính sách là một trong những công cụ giảm nghèo hữu hiệu của địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cân đối, trích nguồn thu ngân sách từ 15 - 20 tỷ đồng; các huyện, thành phố từ 1 - 2 tỷ đồng, ủy thác sang NHCSXH tỉnh cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay. Các nguồn lực đầu tư kém hiệu quả cũng sẽ được xem xét để tập trung sang NHCSXH. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc ủy thác vốn sang NHCSXH. Có như vậy, chúng ta mới có được một nguồn lực mạnh mẽ, để không bỏ ai ở lại phía sau!

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bình Nhi thực hiện