Tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp

Không đặt các điều kiện “kiểu cho có”

- Thứ Năm, 11/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và khu vực phòng thủ, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết. Do đó, các quy định về điều kiện thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp của dự thảo Luật phải bảo đảm tính khả thi, không phải đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp thấy rằng mình không bảo đảm điều kiện nên không thành lập. Đây là ý kiến được đưa ra tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức sáng qua, tại Hà Nội.

Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức tự vệ không nhiều

Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định Điều 19 Luật Dân quân tự vệ và các nghị định của Chính phủ. Qua 10 năm thực hiện quy định này đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc tổ chức lực lượng tự vệ vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm tổ chức bộ máy, thời gian huấn luyện. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có các quy định về thành lập tự vệ nhưng dường như các doanh nghiệp không mấy “mặn mà”.

Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng Phạm Quang Ngân cho biết, trên thực tế tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức tự vệ không nhiều, vì nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương chưa có yêu cầu. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp trên địa bàn trọng điểm và doanh nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tổ chức hoạt động của tự vệ.

Theo Điều 17, dự thảo Luật, doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức đơn vị tự vệ khi có đủ 4 điều kiện. Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện. Hai là, theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án, kế hoạch tổ chức Dân quân tự vệ của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Ba là, đã hoạt động từ đủ 24 tháng trở lên. Bốn là, có số lượng lao động đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ, có nhiều ý kiến băn khoăn hiện nay không thành lập được đơn vị tự vệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì chúng ta đừng kỳ vọng tất cả các doanh nghiệp đều thành lập được các đơn vị tự vệ. Bởi theo Điều 8, Luật Doanh nghiệp, thì các tổ chức, đơn vị kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện pháp luật của Việt Nam về quân sự, quốc phòng và an ninh, nhưng các doanh nghiệp này không có nghĩa vụ tham gia xây dựng lực lượng vũ trang một cách trực tiếp, vì doanh nghiệp vào nước ta làm ăn, đóng thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định.

Ngoài ra, ông Nguyễn Mai Bộ cũng lưu ý, nếu yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài này thành lập lực lượng tự vệ thì bí mật vũ trang, huấn luyện lực lượng vũ trang, đường lối quân sự sẽ bị lộ. Do đó, việc thành lập tự vệ trong doanh nghiệp chỉ nên “khoanh” ở Điều 17 để bảo đảm “bất di bất dịch”, ông Nguyễn Mai Bộ nói.   

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp còn khiêm tốn, nhất là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Vậy doanh nghiệp không thành lập được tự vệ là do các doanh nghiệp không thỏa mãn các điều kiện nên không thành lập hay vì một lý do nào khác? Đây là yếu tố quan trọng, để căn cứ vào đó mà thiết kế điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp ở dự thảo Luật này.

Chỉ ra thực tế ở Bình Dương - địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng lúng túng trong thực hiện chỉ tiêu của Quân khu đối với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong việc phải bảo đảm thực hiện chỉ tiêu thành lập tự vệ trong doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp địa phương, bởi có doanh nghiệp hợp tác nhưng cũng có doanh nghiệp không hợp tác. Do đó, có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp trong thực hiện tự vệ. Để có cơ sở cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, cần có khảo sát, đánh giá thêm. Có thể, tổ chức hội thảo khoa học để cho các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ quan điểm về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Hồng đề nghị.

Nhà nước bảo đảm 20% kinh phí cho tự vệ doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề kinh phí cho tự vệ doanh nghiệp, Khoản 2, Điều 36 dự thảo Luật quy định: “kinh phí của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm cho tự vệ của cơ quan, đơn vị mình, thực hiện nhiệm vụ chi quy định tại Điều 37 của Luật này, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là kế thừa nội dung Khoản 2, Điều 52 Luật Dân quân tự vệ, thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành về thuế, đồng thời gắn trách nhiệm về tài chính của doanh nghiệp đối với lực lượng tự vệ trong thực hiện quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh. Mặt khác, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của công dân. Hiện tại, ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang nói chung và của lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp nói riêng phải cân đối trong các lĩnh vực tổng thể của đất nước. Vì vậy, quy định trong dự thảo Luật là phù hợp.

Nhấn mạnh, nếu như Nhà nước bảo đảm hoàn toàn kinh phí cho lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp là điều lý tưởng, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ đã tổng kết và khẳng định, ngân sách chỉ bảo đảm một cách tương đối. Đó là doanh nghiệp chi một phần cho tự vệ và khoản tiền này sẽ trừ vào nghĩa vụ đóng thuế.

Giải trình làm rõ hơn nội dung này, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ Phạm Quang Ngân cho biết, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành và dự thảo Luật này thì tự vệ được huy động làm nhiệm vụ được hưởng nguyên lương và các khoản phúc lợi do doanh nghiệp bảo đảm, trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Như vậy, Nhà nước đã bảo đảm 20% kinh phí cho tự vệ doanh nghiệp. Quy định này, tương thích với Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo Khoản 2, Điều 29 của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh: “Kinh phí do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp bảo đảm thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật này. Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 53, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của doanh nghiệp, tổ chức khác do doanh nghiệp, tổ chức đó tự bảo đảm”. Trên cơ sở đó, Cục trưởng Phạm Quang Ngân cho rằng, giữ nguyên như dự thảo Luật là phù hợp.

Để bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương thì việc thành lập tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu các điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp. Bởi nói như Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, trong khi chúng ta đang tạo mọi điều kiện để khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển, nếu quy định không khéo thì Luật này lại cản trở cho doanh nghiệp phát triển.

Hà An