Hà Nội cấm phố cà phê đường tàu

Không đánh đổi sự an toàn

- Thứ Tư, 16/10/2019, 08:51 - Chia sẻ
UBND TP Hà Nội vừa có chủ trương cấm các hàng quán kinh doanh ngay trên hành lang đường sắt để đảm bảo an toàn từ ngày 12.10. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là chủ trương hoàn toàn đúng, không thể vì lợi ích kinh doanh mà đánh đổi sự an toàn giao thông của người dân và khách du lịch.

Chế tài chưa đủ răn đe

Từ góc độ quản lý ngành đường sắt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho rằng, chủ trương của UBND TP Hà Nội khi cấm các hoạt động kinh doanh dịch vụ, các hàng quán cà phê đường tàu là hoàn toàn đúng. Theo ông, không thể để tình trạng các hàng quán hoạt động kinh doanh trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt khi tuyến đường sắt quốc gia vẫn đang hoạt động. Vì vậy, việc chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn trong vấn đề kinh doanh, dịch vụ của các hàng quán tại các tuyến đường sắt là cần thiết và phải giải quyết dứt điểm các tồn tại.

ThS. Vũ Tuấn Anh, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, vấn đề này phải nhìn nhận ở hai góc độ. Xét về góc độ luật và quản lý giao thông, đây là những hoạt động không được phép tồn tại ở trong hành lang an toàn giao thông của đường sắt, những hàng quán cà phê hiện nay hầu hết đều vi phạm hành lang an toàn giao thông. Nếu cứ tiếp diễn sẽ không thể bảo đảm an toàn trong phạm vi của hành lang đường sắt. Xét về góc độ xã hội, đây là địa điểm thu hút nhiều du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài vì đa phần họ muốn có những trải nghiệm, cảm giác khác biệt. Thực tế này sẽ xảy ra sự mâu thuẫn giữa hai vấn đề đó là việc bảo đảm an toàn giao thông theo đúng luật, hai là phát triển các dịch vụ kinh doanh để phục vụ du lịch, vì vậy cần phải có giải pháp cụ thể để giải quyết thấu đáo vấn đề.

Xét về khung pháp lý, Luật Đường sắt 2017 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt theo quy định tại Điều 9 bao gồm: Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ. Mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền dao động từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 600 nghìn đến 6 triệu đồng đối với tổ chức khi có các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường sắt như: Mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa hoặc vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt…

Với thực tế như hiện nay, ThS. Vũ Tuấn Anh cho rằng, việc dẹp bỏ các hàng quán đang kinh doanh trên phố đường tàu, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe đối với các chủ thể vi phạm.


Hành lang đường tàu Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội sau lệnh cấm các hàng quán kinh doanh cà phê
Ảnh: Hạnh Nhung

Xử lý kiên quyết, lâu dài

Nếu nhìn nhận rộng hơn, không chỉ là các hàng quán cà phê kinh doanh sát đường tàu vi phạm hành lang an toàn đường sắt ở khu vực đường Trần Phú, Phùng Hưng, mà trên địa bàn TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn xảy ra tình trạng họp chợ, bày bán hàng quán trên đường sắt. Ví dụ điển hình như gần đường ngang Cổ Nhuế, người dân vẫn họp chợ cóc hay ngay tại đường ngang lối vào bệnh viện Bạch Mai, người dân vẫn che bạt, bán nước ngay sát đường tàu...

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh, an toàn giao thông đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lấy dẫn chứng, hoạt động vi phạm như việc họp chợ cóc, buôn bán kinh doanh trên đường tàu ở khu vực đường ngang Cổ Nhuế đã tồn tại từ lâu, chính quyền địa phương và Tổng Công ty Đường sắt cũng đã vào cuộc, làm các hàng rào, chính quyền địa phương cũng đưa vào cuộc giải tỏa nhưng không giải quyết dứt điểm được vấn đề. Vẫn còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, các hoạt động vi phạm vẫn diễn ra mang tính chất thường trực, gây nguy hiểm đến an toàn giao thông đường sắt.

Ông Phạm Nguyễn Chiến đặt vấn đề, nếu không kiên quyết xử lý dứt điểm, triệt để vi phạm mà chỉ mang tính tạm thời thì chắc chắn rằng, một khi lực lượng chức năng như công an, dân phòng không còn đứng chốt chặn, không quản lý tại các hàng rào thì những hoạt động kinh doanh trái phép này sẽ có cơ hội tái diễn trở lại. Vì vậy, cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài, trước hết phải xử lý thật nghiêm những cá nhân, đơn vị nào hoạt động kinh doanh trái phép. Về lâu dài thì cần phải tính đến các giải pháp tổng thể như giải tỏa, điều chỉnh tuyến…lúc đó hành lang giao thông đường sắt sẽ thông thoáng, bảo đảm an toàn hơn.

Chính quyền địa phương cần quyết liệt vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phải xem việc bảo đảm an toàn giao thông nói chung, trong đó có an toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả cộng đồng, trong đó có bản thân của mỗi người dân.

Theo quan điểm của ThS. Vũ Tuấn Anh, an toàn giao thông cần phải được bảo đảm, quan tâm hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người. Các hình thức kinh doanh, dịch vụ có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng không vì thế mà đánh đổi sự an toàn. Do đó, cần có giải pháp về quy hoạch và quản lý phù hợp, có thể khai thác được trong những điều kiện, khoảng không gian mà pháp luật cho phép.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi, nếu các quán cà phê đường tàu quay trở lại gây mất an toàn giao thông thì lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Do đó, cần phải lập lại trật tự và có biện pháp an toàn cho người dân, Bộ Giao thông - Vận tải phải cùng với ngành công an, chính quyền địa phương tổ chức lại trật tự, có rào chắn, có người canh gác và có tín hiệu canh gác, thông báo giờ tàu và các tình huống mất an toàn. Đặc biệt, người dân phải tự nhận thức được những mối nguy hại có thể xảy đến và không nên tận dụng hành lang an toàn đường sắt để kinh doanh.

Hạnh Nhung