Ngân hàng “xé rào” tín dụng và vẫn còn sở hữu chéo

Không đáng lo, nhưng phải kiểm soát, xử lý

- Thứ Hai, 08/07/2019, 07:40 - Chia sẻ
Kết quả kiểm toán các tổ chức tín dụng niên độ 2017 cho thấy, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần… Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, mặc dù tình trạng sở hữu chéo này không gây rủi ro lớn, song NHNN phải kiểm soát, kiểm tra các ngân hàng trong mở room tín dụng, góp vốn, sở hữu chéo lẫn nhau.

Tăng trưởng tín dụng vượt trần 6.988 tỷ đồng

Liên quan Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, đơn vị này chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu. Cụ thể, không thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản bảo đảm của khoản nợ... Đồng thời, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức bán nợ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán các tổ chức tín dụng năm 2018 (đối với niên độ 2017) cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN năm 2017 đã góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN. Theo đó, kiểm soát lạm phát bình quân 3,53% (mục tiêu khoảng 4%); hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6,81% (mục tiêu khoảng 6,7%); tăng trưởng tín dụng 18,17% (mục tiêu 18%) với dư nợ đến 31.12.2017 là hơn 6,5 triệu tỷ đồng, tăng 933,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Dự trữ ngoại hối đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, góp phần giữ ổn định tỷ giá. Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán cũng đạt được các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động; kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt mức trên 7%.

Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, NHNN chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ trọng tiền mặt xuống dưới 10% tổng phương tiện thanh toán theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2011 - 2017, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán mới ở mức gần 12%. Thêm vào đó, hệ số an toàn vốn (Car) toàn hệ thống chưa tin cậy, loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua 0 đồng, một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, “cải thiện ảo” hệ số an toàn vốn hoặc nhiều ngân hàng thương mại phân loại nợ không đúng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số an toàn vốn…

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN, như Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Đông Nam Á, Nam Á, Đại chúng (Pvcombank), Việt Nam Thương tín với tổng dư nợ vượt 6.988 tỷ đồng.


Pvcombank là một trong các ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước 
Ảnh: Đan Thanh

Sở hữu chéo chưa được giải quyết dứt điểm

Về tỷ lệ góp vốn, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành VII chủ trì cuộc kiểm toán NHNN Phạm Thanh Sơn cho biết, đến 31.12.2017 vẫn còn một số tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sở hữu cổ phần tại 1 đơn vị với tổng giá trị đầu tư là 2.809 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sở hữu cổ phần tại 19 đơn vị với tổng giá trị là 4.506 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu cổ phần tại 16 đơn vị với giá trị đầu tư 2.441 tỷ đồng; Ngân hàng NN - PTNT Việt Nam (Agribank) sở hữu cổ phần tại 9 đơn vị với tổng đầu tư 2.385 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín và Ngân hàng TMCP Kiên Long sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau; 5 tổ chức tín dụng gồm Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Vietcombank, Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương, Agribank nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Nhìn vào con số hơn 12.000 tỷ đồng các tổ chức tín dụng vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, ông Phạm Thanh Sơn cho rằng, điều này “chưa có rủi ro lớn” nên không đáng ngại. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên bổ sung, mặc dù tình trạng sở hữu chéo này không gây rủi ro lớn song kết quả kiểm toán cũng cảnh báo các ngân hàng thương mại và đặc biệt là NHNN phải kiểm soát, kiểm tra các ngân hàng trong mở room tín dụng, góp vốn, sở hữu chéo lẫn nhau. “Sở hữu chéo lẫn nhau là rủi ro, có thể dẫn đến con số thống kê không thực. Nếu sở hữu chéo nhiều quá như trước đây sẽ gây rủi ro cho cả hệ thống. Song, kết quả kiểm toán năm 2018 cho thấy đã khắc phục được tình trạng này”, ông Sơn nói.

Chung quan điểm, chuyên gia Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, xét trong mối tương quan nền kinh tế vĩ mô triệu tỷ đồng thì việc một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần khoảng 20.000 tỷ đồng không đáng lo ngại, không đủ gây ảnh hưởng đáng kể đến tình hình lãi suất, tỷ giá hay lạm phát. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, về mặt pháp lý, các tổ chức tín dụng vi phạm vẫn cần phải được xử lý theo quy định.   

Đan Thanh