Phân bổ kinh phí cho khoa học công nghệ

Không “dàn hàng ngang”

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:37 - Chia sẻ
Các kết quả và thành tựu đáng khích lệ đạt được của lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, thủy sản… trong những năm gần đây đều có đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ. Trong giai đoạn 2021 - 2030, các chuyên gia cho rằng, khoa học công nghệ phải phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi công nghệ số, được dẫn dắt bởi thị trường, có tính liên thông giữa các ngành. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, nhằm tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, phục vụ công tác chuẩn bị các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đóng góp vào nhiều thành tích phát triển kinh tế - xã hội

Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ (KHCN) được xác định là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp. Bên cạnh ý nghĩa này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong xu thế hội nhập, KHCN là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta, giống như chìa khóa cho việc hội nhập thành công, cũng như rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới. Đây cũng là yếu tố quyết định đến việc thực hiện mục tiêu chuyển nền kinh tế của nước ta sang nền kinh tế tri thức, cho tiến trình toàn cầu hóa.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư quan trọng từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, KHCN đã được doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức vai trò của KHCN trong phát triển bền vững, do đó các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, TH, Vingroup, Thaco Trường Hải... đã tăng cường đầu tư cho hoạt động này. Với sự quan tâm đầu tư này, theo các chuyên gia, KHCN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT - XH), thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Đến năm 2019, tăng trưởng kinh tế của nước ta đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Đóng góp của các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GDP cũng tăng dần qua các năm, từ mức 33,6% trong giai đoạn 2011 - 2015 đã lên đến mức 43,3% trong giai đoạn 2016 - 2018.

Riêng với ngành công thương, theo Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàn, KHCN có đóng góp ngày càng nhiều đến quá trình phát triển của ngành trong thời gian qua. Năng suất lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2017 đã đạt 82,4 triệu đồng/người, tăng bình quân 5,4%/năm trong giai đoạn 2011 - 2017. Trong đó, ông Nguyễn Huy Hoàn nhấn mạnh, tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp của ngành công thương cao hơn so với mức tăng trung bình của nền kinh tế, qua đó cho thấy hiệu quả trong sử dụng vốn, lao động, cũng như mức độ ứng dụng KHCN trong ngành.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được về công tác quản lý, ứng dụng, nguồn nhân lực KHCN còn thiếu về số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa đạt tỷ lệ 10 - 12 cán bộ khoa học/1 vạn dân. Nguồn nhân lực KHCN tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc ít người và miền núi còn rất thấp, có nơi không có. Tỷ lệ nhân lực KHCN có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao, còn thấp so với cơ cấu, thậm chí có doanh nghiệp chưa có nhân lực. Nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn non trẻ, manh mún...

Đại diện đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý, nhiều quy định tiến bộ của Luật Khoa học và Công nghệ chưa phát huy hết được giá trị, khi chưa có sự sửa đổi đồng bộ tại các văn bản pháp luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức; Luật Giáo dục đại học... cũng như cơ chế tài chính cho hoạt động này. Giữa các văn bản pháp luật quy định chưa thống nhất. Một số nội dung mâu thuẫn, nên nghiên cứu khoa học tại các trường đại học chưa phát triển, cũng như đóng vai trò then chốt cho phát triển KHCN quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư cho KHCN hiện đang có lỗ hổng, khi Nhà nước chủ yếu đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng, song khâu nghiên cứu thử nghiệm mô hình chưa được quan tâm.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu khoa học

Trong nhiều hạn chế của KHCN nước ta hiện nay, việc nguồn nhân lực KHCN còn thiếu về số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ là một yếu tố được khuyến nghị cần sớm có giải pháp khắc phục. Trong đó, PGS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Trưởng ban quản lý khoa học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, bên cạnh cơ chế trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức KHCN được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, cần thực hiện cải cách tiền lương. “Cải cách tiền lương là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu”. Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Hoài Lê nêu rõ, chế độ tiền lương cho nhà khoa học và những người công tác trong lĩnh vực này rất bất cập. Nếu so sánh với các ngành khác có sự thua thiệt, nên cần có chế độ đặc biệt đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Lê cũng đề nghị, cần thay đổi phân bổ kinh phí cho các công trình khoa học, không thực hiện phân bổ kinh phí theo kiểu đồng đều hoặc dàn hàng ngang, người nào cũng có công trình như hiện nay, mà cần chuyển sang cho công trình có chất lượng cao, có kết quả hoặc đóng góp thiết thực. Theo PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vốn đầu tư cho KHCN chỉ phát huy được khi phân bổ theo hiệu quả của dự án, chương trình nghiên cứu. Do vậy, cần xây dựng dữ liệu về công trình nghiên cứu khoa học trong tất cả các ngành, lĩnh vực để phân tích, xác định đầu tư vào hoạt động KHCN nào đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, chỉ số cụ thể để đánh giá với từng công trình nghiên cứu. “Nếu không đánh giá hiệu quả của mỗi công trình nghiên cứu thời gian qua sẽ khó xây dựng chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2021 - 2030”. Khẳng định yêu cầu này, ông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, tiến hành đánh giá công trình nghiên cứu khoa học sẽ cho biết ngay lĩnh vực nào hiện đang sử dụng kinh phí của Nhà nước hiệu quả nhất, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, đóng góp cho KHCN, cũng như quá trình phát triển KT - XH. 

Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2021 - 2030 phải gắn với mục tiêu phát triển KT - XH của đất nước, không thể đứng song song hoặc độc lập. KHCN phải phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng chất lượng hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đặc biệt, KHCN phải dẫn dắt bởi thị trường và tăng cường tính liên thông, liên kết từ nghiên cứu cơ bản đến khoa học ứng dụng. Bởi theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh, nếu không tăng cường liên thông giữa nghiên cứu cơ bản và khoa học ứng dụng, vẫn theo cách nghĩ mảng nào cũng quan trọng, sẽ khó đạt hiệu quả cao.

Lê Bình