Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên

Không cụ thể sẽ lúng túng khi thực hiện

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 07:21 - Chia sẻ
Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên có thể dẫn đến hạn chế quyền của công dân về tài sản, nhưng dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên không quy định phương tiện kỹ thuật nào của công dân phải đăng ký, quản lý, mà giao Chính phủ đăng ký, quản lý là chưa bảo đảm theo đúng quy định của Hiến pháp. Nhiều quy định về nội dung này cũng được các Ủy viên UBTVQH đánh giá là chưa cụ thể và sẽ gây lúng túng khi triển khai thực hiện.

Đưa Trung tâm huấn luyện dự bị động viên vào luật

Hiện nay, cả nước đã xây dựng 24/63 Trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở địa phương cấp tỉnh. Những trung tâm này đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên. Việc huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên ở những địa phương chưa xây dựng trung tâm huấn luyện được tiến hành tại doanh trại, thao trường các trung đoàn bộ binh và trường quân sự tỉnh hoặc chỉ mượn cơ sở vật chất, như: Hội trường UBND, trường học... Do phải mượn địa điểm để tổ chức huấn luyện nên chất lượng huấn luyện, diễn tập còn có hạn chế, vì không chủ động về thời gian, thao trường, bãi tập; không kết hợp được giữa huấn luyện với rèn luyện chính quy, điều kiện huấn luyện và việc bố trí ăn nghỉ, quản lý quân nhân dự bị không bảo đảm.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo luật
Ảnh: Quang Khánh

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, bảo đảm không làm tăng tổ chức, biên chế theo đúng quan điểm của Đảng và phát huy vai trò đơn vị dự bị động viên cấp tỉnh, đồng thời từng bước bố trí địa điểm, kinh phí xây dựng cơ sở huấn luyện, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho bổ sung Khoản 6 vào Điều 21 của dự thảo Luật quy định: Đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện quân nhân dự bị. Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.

Nhấn mạnh, bộ đội thì phải huấn luyện và phải có nơi để huấn luyện, song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, nhiều đơn vị trên một địa bàn thì không phải mỗi đơn vị đều có một thao trường, một trung tâm huấn luyện riêng. Cơ sở huấn luyện cần thiết phải có nhưng cần quy định hợp lý, phát huy các cơ sở hiện có, nơi nào chưa có, nơi nào còn khó khăn thì phải đầu tư. Chủ tịch QH cũng cho rằng, không nên giao Chính phủ quy định cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh mà nên quy định ngay trong luật.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho rằng, vấn đề thao trường và trung tâm huấn luyện cần quy định ngay trong luật và giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định bởi việc chỉ huy điều hành, chỉ huy tác chiến, huấn luyện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành trong lực lượng mình.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ chỉ ra thực tế, trên một địa bàn có nhiều đơn vị: Đơn vị của tỉnh, đơn vị của huyện và đơn vị của Bộ Quốc phòng (bộ đội chủ lực), nên thao trường huấn luyện tương đối lãng phí, “mạnh anh nào anh đó làm”. Tuy nhiên, bộ đội muốn sẵn sàng chiến đấu tốt thì phải huấn luyện tốt, phải có thao trường. Huấn luyện mà không có thao trường khác gì nông dân đi cày mà không có cày, không có ruộng. Theo đó, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần quy định ngay trong luật về trung tâm huấn luyện cho phù hợp, nhưng phải rà soát theo địa bàn từng tỉnh để bảo đảm không gây lãng phí.

Chính phủ căn cứ vào đâu để quy định?

Một nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn tại Phiên họp thứ 36 của UBTVQH là quy định về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Cụ thể là, tại Điều 11 dự thảo Luật quy định: UBND cấp huyện tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên không thuộc quy định tại Khoản 2, Điều này, UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức thực hiện theo chế độ thống kê, báo cáo. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị động viên dẫn đến hạn chế về quyền công dân về tài sản. Theo quy định Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, dự thảo Luật không quy định phương tiện kỹ thuật nào của công dân phải đăng ký quản lý mà giao Chính phủ đăng ký quản lý là chưa bảo đảm theo đúng quy định của Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong Luật cần quy định chung về loại phương tiện thuộc diện phương tiện kỹ thuật phải đăng ký quản lý, sau đó giao Chính phủ căn cứ vào quy định của Luật để quy định chi tiết.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ ra, Khoản 2 Điều 11 quy định: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên, là chưa phù hợp. Quy định này được hiểu là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện sẽ là cơ quan đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Trong khi đó Khoản 1 Điều 11 quy định: UBND cấp huyện tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Điều này dẫn đến cách hiểu UBND cấp huyện sẽ tổ chức cho UBND cấp tỉnh và cơ quan mình đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên. Quy định như vậy không đúng với thứ bậc trên dưới trong nền hành chính bởi chỉ cấp trên tổ chức cho cấp dưới chứ không thể cấp dưới tổ chức cho cấp trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nói. 

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này, UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức thực hiện theo chế độ thống kê, báo cáo”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng băn khoăn, bởi dự thảo Luật không quy định phương tiện kỹ thuật nào thì huyện đăng ký, phương tiện kỹ thuật nào thì tỉnh đăng ký, còn phương tiện kỹ thuật nào thì xã thực hiện theo chế độ thống kê báo cáo. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định: Chính phủ quy định chi tiết Điều này, vậy Chính phủ căn cứ vào đâu để quy định? Nếu quy định như dự thảo Luật, sau này rất lúng túng, không thực hiện được, cũng không thể giải thích nổi. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, cần rà soát và quy định lại điều này để bảo đảm chặt chẽ. 

Hà An