Hoạt động thẩm tra của các Ban Hội đồng Nhân dân

Không còn khô khan, cứng nhắc

- Thứ Ba, 27/08/2019, 07:54 - Chia sẻ
Khi các thành viên Ban HĐND được kiểm chứng một cách khá chắc chắn các số liệu, nhận định, đánh giá và cả giải pháp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết, đề án có sát hợp thực tế hay không, các con số, lời lẽ văn bản thẩm tra sẽ không còn khô khan, cứng nhắc nữa. Từ đó, thành viên Ban sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu rõ được bản chất của vấn đề và có các chính kiến riêng để nghiên cứu, đối chiếu với thực tiễn, pháp luật để đóng góp ý kiến thẩm tra.

Hình thức giám sát bậc cao

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban HĐND đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với thành công của kỳ họp HĐND. Thực chất của thẩm tra cũng là một hình thức giám sát bậc cao của cơ quan dân cử mà trực tiếp là các Ban HĐND về sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như sự phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước khi trình ra HĐND.

Theo đó, để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của HĐND cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án. Yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra. Tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề đó. Khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án. Báo cáo thẩm tra cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau.


Đại diện Thường trực HĐND thị xã dự và phát biểu tại cuộc họp thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh trước Kỳ họp thứ 8
Ảnh: Bình Nguyên

Chủ yếu do 1 đại biểu chuyên trách đảm nhận

Thực tế cho thấy, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND đã bám sát quy định, trình tự luật định và cơ bản đã nêu rõ quan điểm và đề xuất được phương án xử lí đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau nhưng thực tiễn hoạt động thẩm tra vẫn còn những bất cập, nhất là đối với cấp huyện và cấp xã.

Trước hết, do cơ cấu thành viên của Ban HĐND ở 2 cấp này chưa được tăng cường. Đối với Ban HĐND cấp huyện, chỉ có một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nên quá trình thẩm tra từ khâu chuẩn bị đến thực hiện chủ yếu do đại biểu này đảm trách. Do thiếu người nên việc tham gia nghiên cứu dự thảo, yêu cầu cơ quan soạn thảo cung cấp tài liệu; lấy ý kiến người am hiểu về nội dung thẩm tra và khảo sát thực tế thường bị bỏ qua. Chủ yếu đang thực hiện tiếp cận báo cáo, dự thảo nghị quyết, đề án và nghiên cứu, soạn sườn báo cáo, tham mưu cho Ban nội dung thẩm tra; sau đó làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức liên quan và hoàn thiện báo cáo, trình Thường trực HĐND.

Còn ở cấp xã, do thành viên các Ban hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu Thường trực HĐND phải vào cuộc cùng các ban HĐND để thẩm tra, nội dung thẩm tra chủ yếu khai thác trực tiếp từ báo cáo, dự thảo nghị quyết và Đề án. Do đó, báo cáo thẩm tra thường không sâu, thậm chí có nơi báo cáo thẩm tra còn mang tính hình thức, tính phản biện chưa cao, có nội dung thiếu tính thuyết phục, sai quy định; có nội dung thẩm tra chưa tập trung vào trọng tâm vấn đề cần thẩm tra, một số kiến nghị còn chung chung...

Hoạt động hấp dẫn, thú vị

Tham gia sâu vào hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động thẩm tra có thể thấy hoạt động này có tầm ảnh hưởng khá lớn, bởi kỳ họp sẽ không thành công nếu thiếu đi nội dung thẩm tra; hầu hết đại biểu chất vấn, thảo luận đều trông chờ và khai thác triệt để báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND. Thực tiễn cho thấy, hoạt động này cũng không khô khan, cứng nhắc và khó như người ta vẫn tưởng. Càng đi sâu càng thấy hấp dẫn, thú vị hơn bất kỳ hoạt động nào khác của HĐND. Điều đặc biệt mà hoạt động này mang lại là góp phần giúp cho đại biểu trong Ban nắm vững và sâu hơn các nội dung trình kỳ họp. Thuận lợi của đại biểu trong Ban so với đại biểu thường chính là thông tin đã được kiểm chứng và cọ xát. Điều này thể hiện rất rõ qua cách đại biểu trong Ban tham gia thảo luận và chất vấn bao giờ cũng hay và sâu sắc hơn đại biểu thường.

Ngoài khối lượng thông tin được kiểm chứng, trong đó có nhiều thông tin có giá trị mà đại biểu thường chưa chắc đã tiếp cận được, đại biểu trong Ban, nhất là đại biểu chuyên trách được cung cấp đầy đủ, kịp thời. Từ nguồn thông tin đó, Ban xây dựng kế hoạch thẩm tra đầy đủ, sau khi nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án thì đại biểu Ban chuyên trách sẽ tham mưu cho Ban yêu cầu các cơ quan, đơn vị cung cấp tài liệu Ban cần, tổ chức lấy ý kiến người am hiểu thì hình thức thế nào, đối tượng cụ thể.

Từ nguồn thông tin bổ sung, đại biểu chuyên trách của Ban sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Ban lộ trình và nội dung, đối tượng khảo sát thực tế. Đến bước này, thành viên Ban sẽ được kiểm chứng khá chắc chắn các số liệu, nhận định, đánh giá và cả giải pháp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết và đề án có sát hợp thực tế không. Khi đó, các con số, lời lẽ văn bản sẽ không còn khô khan, cứng nhắc nữa. Trên cơ sở đó, thành viên Ban sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu rõ được bản chất của vấn đề và có các chính kiến riêng để nghiên cứu đối chiếu với thực tiễn và pháp luật đóng góp ý kiến thẩm tra. Tất nhiên khi đó, đại biểu sẽ cảm nhận được sự thú vị và hấp dẫn của hoạt động thẩm tra.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh