Không có hòa bình vội vã

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:35 - Chia sẻ
Mỹ đang tìm kiếm thỏa thuận với Taleban nhằm tiếp tục cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tiến trình hòa bình ở Afghanistan vẫn đối mặt với nhiều trở ngại.

Taleban sẽ thay Mỹ chống IS?

Tuần trước, Mỹ và Taleban đã kết thúc vòng đàm phán về hòa bình Afghanistan kéo dài 6 ngày tại Doha, Qatar. Vòng đàm phán kéo dài hơn dự kiến và được các bên đánh giá là đạt được những bước tiến quan trọng, hướng tới thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad khẳng định, các cuộc gặp ở Qatar đã có hiệu quả hơn rất nhiều so với trong quá khứ, với những tiến triển đáng kể trong các vấn đề quan trọng. Trả lời hãng tin AFP, một thủ lĩnh cấp cao của Taleban cũng bày tỏ lạc quan và khẳng định, hai bên đã đạt được thỏa thuận về những điểm quan trọng.

Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, IS sẽ sớm bị tiêu diệt và đàm phán giữa Mỹ với Taleband đang tiến triển tốt. Kể từ mùa hè 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu thảo luận bí mật với các đại diện của Taleban tại Qatar. Đây là nơi Taleban đặt văn phòng đại diện, nhằm triển khai những sáng kiến ngoại giao như hiện nay. David Butler, người phát ngôn của lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan cho rằng, năm 2019 sẽ mang lại cơ hội đặc biệt cho hòa bình Afghanistan khi các bên đạt được những bước tiến trong các cuộc đàm phán hòa bình. Cả chính quyền Afghanistan và Taleban đều có cơ hội nghiêm túc thực sự ở phía trước, một cơ hội cho hòa bình.

Những cuộc thảo luận tại Qatar vừa qua cũng là dài nhất so với những lần trước. Theo ông Khalilzad, Mỹ sẽ tiếp tục đà hiện nay và nối lại các cuộc thảo luận vào tuần tới. Giới chức Mỹ cũng cho hay, hai bên đã nhất trí về dự thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua tại Afghanistan. Chi tiết dự thảo thỏa thuận do nguồn tin của Taleban cung cấp cho hãng Reuters cho biết, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trong vòng 18 tháng sau khi thỏa thuận được ký kết. Đổi lại, Taleban cam kết sẽ tiếp tục thay Mỹ chống IS và không để các nhóm khủng bố quốc tế biến lãnh thổ Afghanistan thành “căn cứ khủng bố” sau khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này.

Nút thắt chưa được tháo gỡ

Nhìn lại cuộc chiến kéo dài gần 18 năm vô cùng phức tạp với mối hận thù sâu sắc giữa Mỹ và Taleban, không ai có thể nghĩ rằng hai bên có thể ngồi lại với nhau để đàm phán tiến tới thỏa thuận. Nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận với Taleban về hòa bình ở Afghanistan cũng cho thấy ý định rõ ràng của Mỹ trong việc muốn nhanh chóng rút quân khỏi chiến trường này.

Kể từ năm 2001, cuộc chiến Afghanistan đã ngốn hết của Mỹ trên dưới 1 nghìn tỷ USD, cướp đi sinh mạng của khoảng 150 nghìn người Afghanistan và ít nhất 2.500 binh sĩ Mỹ. Hiện Mỹ có khoảng 14.000 binh sĩ đóng quân tại Afghanistan. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại chiến trường này tiêu tốn ngân sách nhà nước 45 tỷ USD/năm. Trước đó, Mỹ cũng đã công bố kế hoạch rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria với lý do không muốn bị các nước lợi dụng để giúp bảo đảm an ninh trong khu vực.

Tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taleban làm dấy lên hy vọng cho hòa bình ở Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Đặc phái viên Zalmay Khalilzad cảnh báo, không có giải pháp cho cuộc xung đột chừng nào các bên chưa đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, bao gồm một cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan và lệnh ngừng bắn toàn diện. Trên thực tế, vấn đề này từng là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột bị thất bại. Taleban tới nay vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghaini, được cộng đồng quốc tế công nhận, song bị Taleban coi là “bù nhìn” của Mỹ. Dưới con mắt của nhóm nổi dậy, Mỹ mới là người đối thoại hợp lệ chừng nào họ còn hiện diện quân sự tại Afghanistan.

Taleban cũng chưa chấp nhận đòi hỏi của Mỹ về ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt xung đột với tất cả các phe phái khác của Afghanistan, vì họ muốn có được sự bảo đảm trước từ phía Mỹ để phong trào của họ có thể tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Trong khi đó, không ít quan chức trong chính quyền Mỹ cũng cảnh báo về mức đáng tin cậy của Taleban trong việc giữ lời hứa. Theo Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel, ngay cả khi các bên đạt được thỏa thuận hòa bình thì việc thiết lập cơ chế giám sát mạnh mẽ sẽ rất quan trọng. Bà Haspel còn cho rằng, Mỹ vẫn cần có khả năng hành động vì lợi ích quốc gia khi cần thiết.

Ngọc Khánh