Định kỳ báo cáo tình hình tai nạn lao động

Không có chế tài, khó khả thi

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:21 - Chia sẻ
Dự thảo Thông tư thống kê và công bố tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn vệ sinh lao động nghiêm trọng đề xuất, định kỳ 6 tháng đầu năm, hàng năm, phải đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở cho người lao động được biết.

Chỉ có 10% vụ tai nạn lao động được khai báo

Nhằm phát huy hiệu quả phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giải quyết đóng, hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Theo đề xuất của Dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn định kỳ 6 tháng đầu năm, hàng năm. Thông tin phải được công bố trước ngày 10.7 đối với số liệu 6 tháng và trước ngày 15.1 năm sau đối với số liệu cả năm. Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu có) và phát trên đài truyền thanh cấp xã. Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn định kỳ 6 tháng đầu năm, hàng năm; thông tin phải được công bố trước ngày 20.7 đối với số liệu 6 tháng và trước ngày 30.1 năm sau đối với số liệu cả năm. Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Nội dung thông tin công bố tình hình tai nạn lao động gồm: Số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động chết người; số người bị tai nạn lao động, số người bị chết do tai nạn lao động; nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn; thiệt hại do tai nạn lao động; sự biến động (về số lượng, tỷ lệ) các số liệu thống kê số vụ tai nạn, số người bị tai nạn, nguyên nhân tai nạn so với cùng thời kỳ hoặc giai đoạn báo cáo; phân tích nguyên nhân biến động và hiệu quả của các biện pháp phòng chống tai nạn lao động.

Đây là một trong những đề xuất nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi, dù việc khai báo tai nạn lao động đã được quy định trong Luật Vệ sinh an toàn lao động nhưng đến nay, công tác khai báo tình hình tai nạn lao động vẫn còn rất ít ỏi. Theo thống kê hàng năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình cả nước chỉ có 10% số vụ tai nạn lao động  được khai báo. Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư chi tiết về việc khai báo tai nạn lao động có ý nghĩa rất lớn, rất cần thiết. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy việc đánh giá, công tác khai báo, thống kê về tai nạn lao động của các doanh nghiệp còn chưa được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rất thấp. Chính điều này đã gây cho công tác điều tra, xử lý trách nhiệm nhiều vụ tai nạn lao động còn gặp khá nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động.


Doanh nghiệp phải báo cáo về tình hình tai nạn lao động theo quy định Nguồn: ITN

Khai báo "ảnh hưởng" đến thi đua

Lý giải nguyên nhân số khai báo tai nạn lao động đạt thấp, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng cho biết, do người sử dụng lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động. Nhiều doanh nghiệp e ngại việc để các cơ quan chức năng biết những thiếu sót và sự cố về an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động sẽ ảnh hưởng đến “thi đua”, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi có tai nạn lao động xảy ra theo quy định. Mặt khác, hiện nay do chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe... cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc phổ biến những vi phạm pháp luật về khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động .

Tuy nhiên, từ ngày 15.4.2020, vấn đề này sẽ được giải quyết khi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Trong đó, Điều 19 quy định, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, phạt tiền từ 1.000.000 -  3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Để công tác điều tra tai nạn lao động bảo đảm đúng quy định, đầy đủ, kịp thời giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động, cùng với chế tài, thiết nghĩ các cấp, ngành, chính quyền và các đoàn thể phải dành sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, coi trọng công tác khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động và nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của nó. Bên cạnh đó, các quy định, biểu mẫu về lĩnh vực này cũng cần được rà soát, sửa đổi cho đơn giản; hình thức khai báo, báo cáo qua mạng internet cũng cần được xem xét để giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, công sức cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Có như vậy, công tác khai báo về tình hình tai nạn lao động  mới thực sự đi vào đời sống, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động cũng như doanh nghiệp về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nơi làm việc.

Thái Yến