Chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài ở một số nước

Không có cách tiếp cận chung tốt nhất

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:28 - Chia sẻ
Trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng có luật riêng về đầu tư nước ngoài. Tùy thuộc vào nhu cầu quản lý, trình độ quản lý và hệ thống pháp luật, mỗi nước có những quy định khác nhau điều chỉnh hoạt động này.

Điều chỉnh bởi một hoặc nhiều luật

Theo thống kê, trong số 40 quốc gia trên thế giới có một hoặc một số đạo luật trực tiếp quy định về hoạt động đầu tư, trong đó, nhiều nước có  đạo luật riêng chỉ áp dụng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài như Albania, Thái Lan, Mexico, Nga, Qatar, Ảrập Xêút, Venezuela, Maldives, Chile, Bhutan, Bosnia và Herzegovina, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines...

Căn cứ vào nội dung đạo luật của các nước, có thể chia hệ thống pháp luật về đầu tư của các nước thành 3 nhóm:

Nhóm các nước có đạo luật điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, trong đó có Canada, Indonesia, Đức. Đối với các nước này, Luật Đầu tư bao gồm các nội dung liên quan đến hầu hết các hoạt động của quá trình đầu tư. Ví dụ: Luật Đầu tư số 25 của Indonesia quy định các nội dung như nguyên tắc chung thực hiện đầu tư, các hình thức đầu tư, đối xử với nhà đầu tư, lao động, lĩnh vực đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, giấy phép đầu tư, quản lý đầu tư, đặc khu kinh tế, giải quyết tranh chấp. Đối với Canada, phạm vi điều chỉnh của luật hẹp hơn, chỉ giới hạn trong việc quy định về thẩm quyền quản lý, thủ tục đầu tư, quản lý những dự án có khả năng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, tổ chức và hoạt động của pháp nhân thành lập bởi nhà đầu tư, xử lý vi phạm. Luật Đầu tư Philippines cũng quy định hầu hết các vấn đề về đầu tư, tuy nhiên, các nội dung này được quy định rất vắn tắt. Luật Đầu tư của Đức ngoài việc quy định những nội dung trực tiếp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Đức còn giải quyết mối quan hệ giữa các quy định về đầu tư của Đức với các quy định của Liên minh châu Âu... Nhìn chung, trong nhóm này, Luật Đầu tư là đạo luật quan trọng nhất điều chỉnh các hoạt động liên quan tới quá trình đầu tư. Các đạo luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại hoặc các luật chuyên ngành chỉ quy định cụ thể hơn những nội dung đặc thù.


Nhóm các nước có một hoặc một số đạo luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trong đó có Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bangladesh, Pakistan và Philippines. Trong nhóm này, quy định về tổ chức, hoạt động, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý và nhiều nội dung khác liên quan đến đầu tư được cụ thể hóa tại pháp luật chuyên ngành. Luật Đầu tư chủ yếu tập trung quy định các nội dung liên quan đến khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Ví dụ: Luật Khuyến khích đầu tư Hàn Quốc quy định các cam kết về bảo đảm đầu tư của nhà nước, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khu vực khuyến khích đầu tư nước ngoài, một số nội dung liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư, sử dụng công nghệ và xử lý vi phạm trong đầu tư. Đạo luật này cũng quy định một vài nội dung cơ bản liên quan đến thủ tục thực hiện đầu tư tại Hàn Quốc. Tương tự như vậy, Luật Khuyến khích đầu tư Malaysia cũng chủ yếu tập trung vào các vấn đề về ưu đãi đầu tư, quyết định những lĩnh vực, sản phẩm cần khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư. Luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư tư nhân nước ngoài của Pakistan chỉ gồm 11 điều, quy định về lĩnh vực đầu tư, phê chuẩn hoạt động đầu tư, bảo hộ đầu tư, chuyển lợi nhuận về nước, miễn giảm thuế, tránh đánh thuế hai lần và hỗ trợ giải quyết khó khăn. Có thể thấy, đối với các nước thuộc nhóm 2, Luật Đầu tư hầu như chỉ tập trung vào việc cam kết bảo hộ và định hướng hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm mà nước nhận đầu tư mong muốn thu hút. Những nội dung cụ thể liên quan đến quá trình triển khai hoạt động đầu tư được quy định trong các luật khác.

Nhóm thứ ba gồm các nước còn lại. Những nước này thường không có một đạo luật riêng biệt về đầu tư (ví dụ: Vương quốc Anh) hoặc nếu có cũng chỉ quy định về các hoạt động sáp nhập, mua lại hoặc đầu tư thông qua thị trường chứng khoán (Ví dụ: Nhật,  Australia, Mỹ). Nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chống độc quyền và những giới hạn trong các quy định về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo duy trì tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư. Ngoài ra, để bảo hộ nhà sản xuất trong nước, nước sở tại có thể ban hành những danh mục cấm đầu tư, hạn chế đầu tư hoặc những lĩnh vực chưa mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định hình thức đầu tư và loại hình doanh nghiệp

Đối với hình thức đầu tư, việc phân loại thường dựa vào cách thức nhà đầu tư đưa tiền vào thị trường để thu lợi nhuận. Có ba hình thức đầu tư phổ biến là đầu tư sở hữu, đầu tư cho vay và đầu tư tiền hoặc tương đương tiền (Cash - Cash equivalents). Luật Đầu tư của hầu hết các nước chỉ quy định về hình thức đầu tư sở hữu. Một số nước quy định hình thức đầu tư cho vay, ví dụ tại Điều 8, Luật Khuyến khích đầu tư của Hàn Quốc quy định về hình thức đầu tư bằng các khoản cho vay dài hạn. Tuy nhiên, những quy định như luật Hàn Quốc không phổ biến.

Trong hình thức đầu tư sở hữu có hai hình thức cụ thể thường được pháp luật của các nước quy định là đầu tư thành lập pháp nhân mới và đầu tư thông qua việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã tồn tại. Như, Khoản 3, Điều 5, Luật Đầu tư số 25 năm 2007 của Indonesia quy định: nhà đầu tư được đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp hoặc mua cổ phần, trong đó pháp luật nhìn nhận việc thành lập doanh nghiệp là trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần của công ty vào thời điểm công ty được thành lập. Khoản b, Điều 2, Luật Đầu tư trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ quy định hai hình thức đầu tư: Đầu tư thành lập mới một công ty hoặc chi nhánh của nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư mua cổ phần của một công ty đã được thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh hình thức đầu tư, loại hình doanh nghiệp cũng được quy định trong Luật Đầu tư của nhiều nước. Việc phân loại các loại hình doanh nghiệp chủ yếu dựa vào phạm vi trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các nghĩa vụ của công ty và mức độ tách bạch giữa sở hữu và điều hành quá trình trong quản lý và vận hành công ty.

Có bốn loại hình doanh nghiệp phổ biến: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Những loại hình doanh nghiệp này thường được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp các nước. Tuy vậy, Luật Đầu tư mỗi nước khác nhau lại có những giới hạn khác nhau đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Ví dụ, Indonesia chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (Khoản 3, Điều 5, Luật Đầu tư số 25). Luật Khuyến khích đầu tư Hàn Quốc không đưa ra một giới hạn cụ thể nào về việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong khi luật doanh nghiệp nước này cũng quy định 4 loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh, công ty hợp danh hữu hạn, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ngọc Khánh