Sổ tay:

Không chỉ trông chờ vào chiến dịch

- Thứ Tư, 08/07/2020, 06:03 - Chia sẻ
UNICEF, UNFPA, UN WOMEN cùng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội vừa khởi động Chiến dịch Trái tim xanh nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Tại Lễ khởi động, các bên cùng nhau lên tiếng và kêu gọi hành động để tạo môi trường sống an toàn và bảo vệ tất cả các nạn nhân của bạo lực với thông điệp “Bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ là không chấp nhận được”.

Chiến dịch kêu gọi công chúng, cha mẹ/người chăm sóc trẻ/các thành viên trong gia đình, phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai, hàng xóm, các thầy cô giáo cũng như chính quyền địa phương lên tiếng chống lại và tố cáo bạo lực. Chiến dịch cũng cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại, cải thiện sức khỏe tâm thần và tâm lý của những người bị ảnh hưởng đồng thời bảo đảm tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Thực tế đã cho thấy, đại dịch Covid-19 có tác động lớn trên toàn thế giới, những nỗ lực nhằm ngăn chặn virus lây lan để bảo đảm sức khỏe cho người dân, nhưng cũng làm cho trẻ em đối mặt với nguy cơ bạo lực ngày càng gia tăng như bị ngược đãi, bị bạo lực trên cơ sở giới và bị xâm hại tình dục. Những báo cáo gần đây ở những nước có đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác cùng với những áp lực về xã hội và kinh tế hiện hữu hoặc gia tăng ở các gia đình đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ. Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30%.

Tại Việt Nam, đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó. Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những nguy cơ về xâm hại thể chất, tình dục và xâm hại tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể. Các trường học đóng cửa và các biện pháp cách ly xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn và được bảo vệ không bị nguy hiểm. Trong hầu hết trường hợp, thủ phạm gây bạo lực và những kẻ lạm dụng đều là người thân quen với trẻ em.

Đại diện UNICEF Rana Flowers cho rằng, “UNICEF, UNFPA và UN WOMEN cùng lên tiếng yêu cầu tất cả công dân tố cáo bạo lực để các kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm. Bạo lực xuất hiện trong các gia đình và ở cộng đồng, cả giàu có lẫn nghèo khó, cả trình độ học vấn cao và trình độ thấp. Đó luôn là vấn đề về quyền lực đối với nạn nhân và điều này không bao giờ có thể chấp nhận được. Trong những thời điểm bấp bênh, nhiều áp lực và lo lắng, điều đáng buồn là tình hình bạo lực vốn đã xấu lại càng xấu hơn. Phụ nữ thì sợ hãi không dám tố cáo, còn trẻ em thường không ở địa vị để có thể tố cáo những hành động bạo lực. Chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương, cộng đồng, cha mẹ và chính phủ cần hành động để bảo đảm trẻ em và phụ nữ được bảo vệ và được an toàn".

Ở góc nhìn thẳng thắn hơn, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, Việt Nam sẽ không thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 nếu không giải quyết được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khi chúng ta giải quyết được vấn đề này thì chúng ta sẽ bảo đảm được tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau.

 Có thể thấy vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và phụ nữ từ lâu đã trở thành sự nhức nhối của toàn cầu, tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của các bộ, ngành, tổ chức liên quan thì dường như kết quả chưa được như kỳ vọng. Bởi hàng ngày, hàng giờ vẫn còn những vụ bạo lực gia đình, bạo lực giới diễn ra, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng gần đây như cha ruột đánh con gái 6 tuổi ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vinh Châu, tỉnh Sóc Trăng; cô giáo dùng bút điểu khiển màn hình máy chiếu đánh học sinh ở Trường Quốc tế Á Châu, quận 10, TP Hồ Chí Minh... 

Vậy, vấn đề không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong tháng hành động hay một chiến dịch, hoạt động nào đó, mà các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm pháp luật, xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực giới, nhất là kịp thời đưa ra xét xử các vụ án điển hình về xâm hại trẻ em; bên cạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức.

Phạm Hải