Không chỉ là cơ hội của người học

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 06:58 - Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, Covid-19 là chất xúc tác giúp Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thông qua sự nhập cuộc nhanh chóng của Chính phủ và người dân. Tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, quá trình chuyển đổi số này không chỉ mở ra một không gian đào tạo mới, năng động, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người học mà còn giúp giáo viên gắn kết, sáng tạo hơn.

Làm mới không gian học tập, giảng dạy

Cô Nguyễn Thị Thu, giảng viên Bộ môn Khoa học cơ bản - người được cho là “cứng rắn” nhất khi lãnh đạo trường Cao đẳng Kỹ nghệ II triển khai bồi dưỡng tập huấn cho các giảng viên về chương trình đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, sau một tháng dự lớp tập huấn, cô Thu lại trở thành người đam mê dạy trực tuyến nhất nhì trong trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.


TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II luôn theo sát các giáo viên trên hệ thống mạng kết nối trong khóa tập huấn

Cùng với đầu tư cho giáo viên ra nước ngoài học tập kinh nghiệm đào tạo trực tuyến - lấy đó làm nòng cốt về đào tạo lại cho các giáo viên trong trường - Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II còn đưa nội dung giảng dạy trực tuyến vào cơ chế thi đua, có hình thức khen thưởng nhằm động viên các giáo viên có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi phương pháp đào tạo này.

Theo cô Nguyễn Thị Thu, khóa tập huấn đã tạo cho các giáo viên có cơ hội học hỏi thêm kiến thức, biết thêm các công cụ dạy học trực tuyến; từ đó, lôi cuốn cả những giảng viên có tư tưởng bảo thủ vào cuộc; tạo ra một phong trào học tập nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều giải pháp để cải thiện chuyên môn. Không dừng lại ở đó, các buổi làm việc nhóm, sinh hoạt tập thể trên một lĩnh vực “mới mà không mới” này đã tạo cho các giáo viên trong Nhà trường hiểu nhau hơn, gắn kết hơn; sẵn sàng chia sẻ, giúp nhau cùng tự tin làm chủ công nghệ thông tin. “Rất nhiều người mù mờ về công nghệ, trong đó có tôi, khi bước ra khỏi khóa học đã hoàn toàn tự tin trong thiết kế bài giảng cũng như giảng dạy trực tuyến” - cô Thu tự tin chia sẻ.

Không chỉ có cô giáo Thu, mà 70 thầy cô giáo khác trong trường đều có chung cảm nhận thú vị: Từ chỗ không tin tưởng đến phải thực hiện rồi cuối cùng là chủ động tìm tòi, khám phá… Khóa tập huấn với 6 bài giảng cơ bản như: Tổ chức hội thoại trực tuyến với Google Letrom và Google Binar; các kỹ thuật quản lý lớp học chuyên sâu bằng Google letrum và giao bài kiểm tra, bài khảo sát, lấy ý kiến; sử dụng công cụ gây hứng thú và hỗ trợ kiểm tra bài cũ bằng phần mềm ca-hút và Mem-ti-me-tơ; giới thiệu sử dụng công cụ gây hứng thú cho sinh viên đó là công cụ new post; hướng dẫn sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá sinh viên, đó là công cụ lu-va-gu và công cụ gô-pha-ra-tim; giới thiệu một số phần mềm hữu ích khác từ các thành viên và xen kẽ là các buổi làm việc nhóm bằng phần mềm.

Theo TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường, đào tạo trực tuyến cho một số môn học đã được Nhà trường ấp ủ nhiều năm nay. Nhà trường dành công sức và thời gian đầu tư về cơ sở vật chất; cử 5 giáo viên sang Phần Lan tham gia học tập kinh nghiệm và các kỹ năng đào tạo trực tuyến của bạn. “Do đó, khi đại dịch xảy ra, chúng tôi lại coi đây như một cơ hội để làm mới mình, làm mới không gian học tập, giảng dạy của Nhà trường” - TS. Nguyễn Thị Hằng cho biết.

Sẵn sàng cho tương lai

Không chỉ mang tính tạm thời hay đối phó trong thời gian dịch bệnh Covid - 19 xảy ra, mà việc học và giảng dạy trực tuyến giờ đây đã được cả tập thể trường Cao đẳng Kỹ nghệ II coi là một trong những phương pháp giảng dạy của tương lai.

Đã thuộc thế hệ “cũ” với 25 năm tham gia giảng dạy tại Khoa Chăm sóc sức khỏe và Thẩm mỹ, cô Trương Thị Ngọc Ánh cho hay, dù đôi lúc chưa theo kịp các bạn trẻ trong việc tiếp nhận các kiến thức, thao tác công nghệ số; hay số hóa bài giảng, chương trình, giáo trình nhưng cô Trương Thị Ngọc Ánh luôn ý thức được phương pháp giảng dạy trực tuyến là một nhiệm vụ tất yếu của giáo viên trong tương lai. Do đó, phương pháp học là “Học thày không tày học bạn”! Khó đến đâu, hỏi cho ra đến đó; Khó chỗ nào, nhờ đồng nghiệp giảng cho thật thấu… rồi về tự ngồi luyện tập, thao tác và khám phá. “Tôi nghĩ, giai đoạn này là thời cơ tốt nhất để đổi mới phương pháp giảng dạy! Bởi thế, tôi cũng đang chuẩn bị đầu tư thiết bị giảng dạy cá nhân cho bộ môn của mình” - cô Trương Thị Ngọc Ánh tâm sự.

Đánh giá lại khóa tập huấn cho các giáo viên của mình, TS. Nguyễn Thị Hằng cho rằng, có thể về mặt chất lượng chưa thực sự xuất sắc nhưng tinh thần học hỏi, quyết tâm chuyển đổi, tự đổi mới phương pháp giảng dạy của các thầy cô thì thật đáng ngưỡng mộ. Chính sự đồng lòng, quyết tâm ấy đã giúp Nhà trường vượt qua rất nhiều khó khăn, rào cản. Từ chỗ tiếp thu một cách thụ động, miễn cưỡng thì nay, các thầy cô đã tham gia đầy hứng khởi. Nhiều thầy cô làm thêm giờ, say sưa tới tận đêm, nỗ lực vượt khó để theo kịp các đồng nghiệp trẻ.

TS. Nguyễn Thị Hằng chia sẻ thêm, học trực tuyến sẽ là xu hướng chính của cả thế giới khi công nghệ ngày càng phát triển. Như thế, sinh viên có thể học bất cứ đâu; việc đến lớp chỉ còn là để thực hành, làm dự án, tạo ra sản phẩm. Tuy vậy, không phải ngày một, ngày hai là có thể chuyển đổi từ phương pháp đào tạo truyền thống sang phương pháp trực tuyến ngay được. Cần phải có quá trình vài ba năm để chuẩn bị về mọi mặt như đào tạo, tập huấn, đầu tư lớn về công nghệ, dữ liệu. Song, quan trọng vẫn là tâm thế và văn hóa của người thầy. Người thầy phải đổi mới về tư duy, phương pháp giảng dạy, tiếp cận học trò; coi học trò là trung tâm… để từ đó thay đổi người học.

Trên thực tế, dạy và học trực tuyến hiệu quả hay không lực phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực thầy cô... của mỗi trường. Rất nhiều chuyên gia đánh giá cao phương pháp học này vì tính hiện đại và tích cực của nó cũng như giúp sinh viên tăng tính tự học, tự nghiên cứu. Nếu áp dụng tốt, phương pháp đào tạo này giải quyết được nhiều vấn đề cho xã hội như: giảm chi phí; tiết kiệm thời gian đi lại; học tập mọi lúc, mọi nơi; hạn chế kẹt xe, giảm vất vả cho giảng viên.   

Thái Bình