Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Không “bó” nhưng phải tránh lạm dụng

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 07:53 - Chia sẻ
Khái niệm “cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán” là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại Phiên họp sáng qua của UBTVQH. Theo đó, có ý kiến cho rằng xác định “có dấu hiệu vi phạm” mới kiểm toán là quá chặt chẽ, vì chưa kiểm toán thì sao xác định được dấu hiệu vi phạm? Việc sửa đổi khái niệm này theo hướng không bó hoạt động kiểm toán là cần thiết, nhưng phải tránh việc lạm dụng, hiểu sai khái niệm này là “kiểm toán có thể kiểm toán tất cả”.

Chưa kiểm toán thì sao xác định được dấu hiệu vi phạm?

Dự thảo Luật trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 37 đã bỏ Điểm 1, Điểm 2a, Khoản 10, Điều 1 trong dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy. Đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ “khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc quy định rõ “có dấu hiệu vi phạm” là cần thiết và có thể thực hiện được khi kiểm toán viên kiểm tra, xem xét hồ sơ tài liệu tại đơn vị được kiểm toán.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Ảnh: Văn Giang

Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước một lần nữa khẳng định không mở rộng đối tượng kiểm toán mà chỉ giải thích đối tượng liên quan là những đối tượng như thế nào.

Thứ hai, về việc kiểm toán và đối tượng liên quan được triển khai thế nào, thì đối tượng và đối tượng liên quan trong kế hoạch kiểm toán đã công khai ngay từ đầu năm; tức là công khai cho mọi người biết năm nay chúng tôi kiểm tra tỉnh này. Trong tỉnh này chúng tôi sẽ công khai kiểm toán mấy dự án này. Mấy dự án này chính là các đơn vị liên quan đến quá trình sử dụng tài sản công, tài chính công thì chúng tôi cũng công khai niêm yết. Trong kế hoạch được kiểm soát rất chặt chẽ, nếu có tổ nào, đoàn nào làm vượt ra ngoài phạm vi đã có trong kế hoạch được công khai thì phải chịu kỷ luật, dùng hệ thống kiểm soát chế độ, kiểm soát chất lượng; Thanh tra của Kiểm toán sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kiểm toán của Tổng Kiểm toán đã ban hành, như vậy để không trùng lặp và không bị lạm dụng như lo ngại muốn vào đơn vị nào thì vào, muốn đến đơn vị nào thì đến.

Tổng Kiểm toán Nhà nước
Hồ Đức Phớc

Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan thi hành luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đưa ra khái niệm có “dấu hiệu vi phạm” là chưa hợp lý, bởi Kiểm toán Nhà nước không tiếp cận với hồ sơ kiểm toán, không được đối chiếu, không kiểm tra thì lấy đâu ra dấu hiệu vi phạm để khẳng định là có “dấu hiệu vi phạm” mới kiểm tra, đối chiếu? Hơn nữa, luật hiện hành quy định, khi có “dấu hiệu vi phạm” phải chuyển sang cho cơ quan điều tra truy tố mới đúng.

Nhấn mạnh cần điều chỉnh lại khái niệm này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, theo Điều 118 của Hiến pháp: Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Điều đó có nghĩa, chỗ nào có tài chính công và tài sản công đều phải được kiểm tra; đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công hay tài sản của Nhà nước có liên quan đến đơn vị đang trực tiếp bị kiểm toán, thì Kiểm toán Nhà nước được kiểm tra theo dòng tiền. “Nếu quy định “có dấu hiệu vi phạm” thì Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán những gì đơn vị đang sử dụng tiền và tài sản của nhà nước. Vậy thất thoát ai chịu trách nhiệm?”. Hơn nữa, với khái niệm mới này, Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận, sẽ không thể kiểm tra các dự án BOT và BT như lâu nay đã làm, không kiểm tra được các chương trình mục tiêu quốc gia mà ngoài tổ chức nhà nước đã làm.

Khẳng định quan điểm nhất quán của UBTVQH là chúng ta không mở rộng phạm vi kiểm toán, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, nếu có hoạt động liên quan đến kiểm toán thì nên cho phép Kiểm toán Nhà nước có thể thực hiện việc kiểm tra. Lấy minh chứng ở ngành thuế từng quy định “chỉ được phép dừng xe khi trên xe có dấu hiệu chở hàng lậu, xe chạy ầm ầm sao xác định được dấu hiệu khi nào? Và cuối cùng, phải tự tìm cách theo hướng nhìn theo tín hiệu xe, xe chở nặng, chở nhẹ để dừng. Tương tự nếu “có dấu hiệu vi phạm” mới kiểm toán thì chặt chẽ quá, chưa kiểm toán thì sao xác định được dấu hiệu vi phạm, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thẳng thắn. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị, nên bỏ cụm từ “có dấu hiệu vi phạm” trong phần giải thích khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, “như vậy sẽ sáng hơn, mà lại đúng Hiến pháp”.

“Để chuẩn bệnh phải có đủ thông tin”

Thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước không nên “bó” cơ quan kiểm toán, song một số Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý phải tránh việc lạm dụng khi dùng thuật ngữ “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” tức là kiểm toán có thể kiểm toán được tất cả.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình thẳng thắn, ở góc độ chuyên môn, kiểm toán như một người “thầy thuốc” trong vấn đề tài chính, kiểm tra tính trung thực, tính pháp lý của hồ sơ; chỉ rõ hoạt động tài chính đó có đúng pháp luật hay không và hiệu quả sử dụng đồng tiền như thế nào. Với tinh thần để chuẩn bệnh phải có đủ thông tin, song cần làm rõ, chúng ta mở đến đâu, chia sẻ ở góc độ Ủy ban Tài chính - Ngân sách là, nếu một đơn vị kiểm toán được quyền kiểm toán tất cả những đơn vị liên quan đến đơn vị kiểm toán thì có rộng quá hay không? Hay, một đơn vị có rất nhiều mối quan hệ tài chính, không lẽ bây giờ tất cả những lĩnh vực đó đều được kiểm toán? Đứng ở góc độ Kiểm toán Nhà nước là cần thông tin và có quyền lấy thông tin, nhưng liệu có phải tất cả mọi quan hệ tài chính đều kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình kiến nghị, vấn đề này nên được trao đổi sâu để làm rõ.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng mong muốn, Tổng Kiểm toán Nhà nước làm rõ, thẩm quyền mở rộng kiểm toán là do Trưởng đoàn quyết định hay phải báo cáo lên cấp trên? Bởi kế hoạch kiểm toán đều phải thông qua UBTVQH và trình lên QH. Ví dụ, kiểm toán đơn vị A, sau đó lại thêm đơn vị A’, B’, C’ khác thì thẩm quyền đó phải giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nếu thẩm quyền được phép mở rộng là trưởng đoàn, không tránh khỏi có những lo lắng.

Trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những hoạt động cần phải kiểm toán để làm rõ hơn những đối tượng đang được kiểm toán. Nhấn mạnh quan điểm này, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH đồng ý sẽ bổ sung một khái niệm để làm rõ các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, xác định có những hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công của đơn vị được kiểm toán thì cơ quan kiểm toán có thể mở rộng hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ mở rộng như thế nào. Nếu chỉ đối chiếu, so sánh sổ sách để phát hiện vấn đề thì khác, nhưng nếu kiểm toán toàn diện thì phải đặt ra yêu cầu có đưa vào việc bổ sung kế hoạch kiểm toán hay không.

Ý Nhi