Không ai bỏ nhiều tiền mua tranh chất lượng không cao

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:02 - Chia sẻ
Lâu nay, trong giới mỹ thuật vẫn còn quan niệm giữa nghệ thuật và thị trường có sự đối lập, tranh của họa sĩ được thị trường yêu thích, người mua nhiều chưa chắc có chất lượng nghệ thuật cao... Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật đang được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức nhằm thay đổi định kiến ấy.

Chất lượng nghệ thuật tốt, có người mua trong thời gian dài

Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội (đến ngày 15.8), giới thiệu các tác phẩm của 19 họa sĩ, gồm 12 họa sĩ ở Hà Nội: Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng; và 7 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

Triển lãm giới thiệu các họa sĩ đã có dấu ấn trên thị trường mỹ thuật.
Ảnh: Ng. Phương

"Triển lãm được tổ chức với mong muốn thay đổi cách nhìn của xã hội, thậm chí cả một số người trong nghề, với các họa sĩ bán được nhiều tranh, không phải họ vẽ nhiều, bán nhiều là tranh của họ không có chất lượng nghệ thuật cao. Không có ai bỏ nhiều tiền mua một tác phẩm nghệ thuật mà chất lượng không tốt, nhất là những nhà đầu tư, nhà kinh doanh, họ đã mua chắc chắn tác phẩm phải có giá trị nào đó...".

Họa sĩ Vi Kiến Thành

Nhiều người quan tâm về “họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” như cách gọi của triển lãm, bởi chọn được người “hàng đầu”, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật là vô cùng khó. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, giám tuyển của triển lãm, việc lựa chọn các họa sĩ tham dự, mỗi giám tuyển có quan điểm, cách lựa chọn riêng. Với triển lãm này, “hàng đầu” ở đây được hiểu là những người dẫn đầu về sự tham gia vào thị trường mỹ thuật. Điều đó được thể hiện qua 2 tiêu chí: Tác phẩm mỹ thuật của họ được đánh giá có chất lượng nghệ thuật tốt, định hình được phong cách, bản sắc, dấu ấn cá nhân; và đã có người mua, sưu tập trong khoảng thời gian dài. Xem triển lãm, nhìn tranh có thể nhận ra ngay đây là phong cách của ai.

Hầu hết tác giả được giới thiệu lần này có tác phẩm được người yêu nghệ thuật và nhà sưu tầm trong và ngoài nước lựa chọn, khẳng định được sức hút trên thị trường mỹ thuật sưu tập hàng chục năm qua (từ những năm 1990). Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, mong muốn của ban tổ chức là mời 20 họa sĩ, và muốn có sự góp mặt của họa sĩ Đỗ Quang Em ở TP Hồ Chí Minh, nhưng do họa sĩ cao tuổi, mọi giao dịch, kết nối rất khó...

Hiện nay, đời sống mỹ thuật đương đại đã có sự phát triển so với thời kỳ trước, lực lượng họa sĩ trẻ có nhiều tài năng, được người yêu nghệ thuật biết tới và có tác phẩm bán tốt. Tuy nhiên, theo ban tổ chức, họ là thế hệ sau nên ban tổ chức “không chọn vào đội hình những người đã có trải nghiệm, đã được thời gian kiểm chứng”. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật như sắp đặt, trình diễn, video art... cũng vắng mặt, bởi còn khá mới mẻ ở Việt Nam và không có được thị trường như hội họa, dù có nhiều tính ưu việt như tương tác với người xem, đưa ra được những vấn đề, ý tưởng mới. Đây cũng là vấn đề của hoạt động nghệ thuật... Ban tổ chức hy vọng, sau triển lãm này sẽ có triển lãm, giám tuyển khác dưới góc nhìn, quan điểm đánh giá riêng, chọn lựa giới thiệu những gương mặt mới hơn, từ đó tạo nên sự trao đổi học thuật sôi nổi, đa chiều, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật và thị trường nghệ thuật.

Thị trường phát triển sẽ kích thích sáng tạo

Đây là lần đầu tiên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mạnh dạn gắn liền yếu tố thị trường với nghệ thuật trong một triển lãm. Nhiều người trong nghề cho rằng, đây là đòi hỏi cần thiết, khi nước ta đang định hướng phát triển thị trường mỹ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, thì cần vinh danh những tác giả tạo ra các tác phẩm trở thành hàng hóa đặc biệt. Cần đánh giá đúng đóng góp của những họa sĩ này với sự phát triển của thị trường mỹ thuật trong nước những năm qua.

Được mời tham dự triển lãm, họa sĩ Phạm Luận bất ngờ, “vì lâu nay nói đến tranh thị trường là người ta ngại. Nhưng tranh vẽ ra thì phải bán được, phải có giao lưu. Khi vẽ, họa sĩ có trách nhiệm với tác phẩm, sáng tạo bằng cảm xúc, suy nghĩ, tài năng của mình. Còn khi tác phẩm ra khỏi xưởng, đến với người yêu mỹ thuật, được thị trường chấp nhận là điều bình thường”... Trên thế giới, thị trường nghệ thuật đã khá phát triển với những nghệ sĩ có tác phẩm được định giá cao ngất ngưởng. Ở Việt Nam, tuy có các hoạt động mua bán tranh, gallery, hoạt động phê bình, nghiên cứu mỹ thuật... nhưng thị trường chưa thực sự lớn mạnh, ít người sưu tầm tranh, trong khi đó, chỉ triển lãm mới có thể đưa nền nghệ thuật trong nước đi lên.

Còn theo họa sĩ Phạm An Hải: “Triển lãm giới thiệu tới công chúng các họa sĩ có thời gian dài hoạt động trên thị trường mỹ thuật là động thái tốt. Thời gian tới, cần có nhiều triển lãm hơn nữa, mở rộng theo các chuyên đề và hình thức khác nhau, để thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật”. Thực tế, mỗi họa sĩ vẽ với chủ đề, chất liệu, phong cách khác nhau, các nhà sưu tập, người mua tranh cũng lựa chọn theo nhu cầu, chiều hướng vô cùng đa dạng. Bởi vậy, trong nghệ thuật khó nói cái nào hơn hay kém. Nhưng chắc chắn, tác phẩm của họa sĩ vẽ ra được người mua lựa chọn, thị trường đón nhận sẽ góp phần quan trọng kích thích, nuôi dưỡng sáng tạo, thúc đẩy nghệ thuật phát triển.

Thảo Nguyên