Quy định thời gian nghỉ hè cho học sinh:

Khối trường tư thục đề nghị chính sách linh hoạt hơn

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 17:21 - Chia sẻ
Liên quan đến quy định đóng cửa trường để học sinh nghỉ hè 3 tháng, đại diện các trường ngoài công lập ở Hà Nội tỏ ra băn khoăn và cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên cũng như gây thiếu thời gian dạy kỹ năng sống cho học sinh. Do đó, các trường kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần có chính sách linh hoạt hơn dành cho khối trường tư thục.

Thiếu thời gian dạy kỹ năng sống cho học sinh

Tại cuộc họp giao ban Quý II của Bộ GD-ĐT ngày 30.6, đại diện Bộ GD-ĐT thông tin sẽ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1.9. Với các trường tư thục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Mặc dù chưa biết Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1.9”, đại diện các trường tư thục đã bày tỏ sự lo lắng, hoang mang. Theo Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang, các trường tư thục hiện còn đang vật lộn đối phó với cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vừa mở cửa đón học sinh quay trở lại liền đối mặt với nỗi lo về “rủi ro chính sách” trước thông báo của Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT.

Lãnh đạo các trường ngoài công lập cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên cũng như gây thiếu thời gian dạy kỹ năng sống cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường tư thục Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết, “Thế mạnh của các trường tư thục là ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT quy định thì còn có nhiều nội dung dạy ngoài, chẳng hạn, Trường Đoàn Thị Điểm có 20% thời gian dành để dạy các kỹ năng như học bơi, thể thao, nhạc, họa.. do đó, phải có thời gian trong hè để học sinh học. Mặt khác, dù 3 tháng hè không hoạt động thì trường cũng khó khăn do không có nguồn thu, hàng năm, trường Đoàn Thị Điểm vẫn chi trả đủ lương 13 tháng giáo viên (bao gồm cả thưởng tết) thì mới giữ được giáo viên giỏi”, cô Hiền nói.

Khuôn viên Trường THCS, THPT Marie Curie

Cần có chính sách linh hoạt hơn

Đại diện các trường tư thục cho biết đã gửi thư kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Thư kiến nghị đề xuất Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy chế tại Khoản 3, Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT để học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà đầu tư trường tư thục yên tâm thực hiện tốt kế hoạch giáo dục.

Đứng trên góc độ vừa là giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) Văn Thùy Dương cho rằng, nghỉ hè 3 tháng là quá nhiều, nhiều cha mẹ sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc, giữ an toàn cho trẻ: "Ngày nay các con có thể tiếp xúc với rất nhiều thú chơi không tốt, cha mẹ phải lo lắng cho các con hơn nhiều so với thời chúng tôi ngày xưa. Để tạo sân chơi cho trẻ dịp hè, nhiều bố mẹ phải đưa các con đến lớp học đàn, tập bơi... ngày 2-3 ca như vậy, không phải bố mẹ nào cũng làm được". 

Do đó, bà Văn Thùy Dương cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có quy định linh hoạt về thời gian nghỉ hè cho cả khối trường tư thục và công lập, bởi lẽ, điều kiện tự nhiên, học tập ở mỗi vùng miền là khác nhau. “Ở khu vực miền núi, có những thời điểm mưa bão, sạt lở nhưng vẫn nằm trong thời gian năm học, nên chăng chương trình nên được đưa vào các tháng khác an toàn hơn. Tôi cho rằng cần có quy định mềm mỏng về thời gian nghỉ hè, Bộ GD-ĐT nên kiểm soát đầu ra chương trình, chất lượng đào tạo, các vùng miền cần có sự uyển chuyển. Thời gian học hè, không phải chỉ dạy kiến thức, mà quan trọng là đào tạo kỹ năng mềm, vốn sống cho học sinh”, bà Dương nhấn mạnh.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An cũng cho rằng, trước khi ban hành quy định, chính sách, cần xem xét đánh giá những tác động xã hội. Trong bối cảnh các dịch vụ xã hội ngày càng có sự cải thiện, song chưa thể phát triển như nhiều nước khác, việc trẻ em không đến trường trong thời gian dài sẽ rất khó khăn cho bố mẹ để đảm bảo an toàn cho con. “Chúng ta đã cố gắng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhưng đâu đó vẫn có những sự việc như trẻ nghỉ học, đuối nước dịp hè, tai nạn... Do đó, cần lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh, xem họ có thực sự muốn con nghỉ hè dài ngày, hay vẫn muốn con có sân chơi, có nơi hoạt động an toàn”, bà An nói.

Hiện nay hệ thống các trường phổ thông tư thục được hình thành và phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu và sự đa dạng của các tầng lớp nhân dân, giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách, giảm áp lực sĩ số các trường công lập ở đô thị lớn. Do đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục cũng cho rằng, trong thế giới phát triển đa dạng loại hình giáo dục, dùng 1 công thức áp dụng chung là cứng nhắc. Do đó, Bộ GD-ĐT nên có quy định linh hoạt, đảm bảo lợi ích toàn diện, đảm bảo sự phát triển của học sinh, cũng như theo điều kiện kinh tế xã hội địa phương.

Khải Minh